Lẽ thường tình

file.png


Ủa là sao? Cũng không biết đã bao nhiêu lần mình “ủa là sao” khi nhìn thấy ứng xử của nhiều người, đặc biệt là các thế hệ sau này tại Việt Nam. Có rất nhiều thứ được liệt vào tự điển “common sense - lẽ thường tình”, ví dụ như là tránh làm phiền người khác khi không cần thiết hay luôn lễ phép khi hỏi hay nhờ người khác việc gì, vv. Và mình nghĩ, đó là lẽ đương nhiên, kỹ năng xã hội cơ bản của một kẻ làm người. Nhưng không! Hình như Việt Nam học toán lý hoá sinh hay gà bài văn mẫu dữ quá nên không có thời gian học “lẽ thường tình”. Đã không học thì không biết. Đã không biết thì nó không phải là lẽ thường tình nữa mà trở thành khả năng người có người không, tuỳ thuộc vào độ hên xui của giáo dục gia đình hay vòng tròn quan hệ, tiếp xúc, lớn lên của từng cá nhân.

Hôm trước gặp lại đứa em bên Nhật về, nó bảo nhiều lúc muốn nhắn chị Phi lắm mà thấy chị bận quá em sợ làm phiền. Mình cười, trời ơi mày với chị thân cỡ đó mà còn sợ làm phiền hả. Nó bảo dạ người Nhật được dạy là tránh hết sức không nên làm phiền người khác, nên em cũng quen như vậy. Cái gì tự mình làm được thì tự làm hết. Đối đế lắm mới đi nhờ tới người khác. Mà lỡ có nhờ thì cũng hết sức lễ phép và xin lỗi đủ đường vì làm phiền người ta, xong mới mở miệng được. Mình thật sự thích cách tiếp cận đó, dù mình nghĩ không cần phải tới mức extreme - cực đoan đến mức như vậy giữa những con người đã có tình thân. Có điều, từ trước đến nay, dù không phải nhận giáo dục từ môi trường Nhật, chính gia đình và ba má mình cũng dạy lẽ thường tình này rất kỹ. Học gì học cũng phải bắt đầu từ chuyện học làm người. Giỏi kiểu gì mà lẽ thường tình nó không hiện hữu hay check out từ thâm tâm bạn thì ra đời chơi với ai? Hồi nhỏ thì còn bè phái, tìm đứa giống mình mà chơi. Lớn lên đi làm việc, kinh doanh, giao du với đủ loại người trong đời mà thiếu vắng lẽ thường tình thì thiên hạ ai cộng tác, giúp đỡ mình?

Mấy chục năm bôn ba làm việc hơn cả trăm quốc gia trên thế giới, thiệt ra thì thứ khiến mình làm được và vững vàng không phải là kiến thức hay chuyên môn quái quỉ gì mà chỉ đơn thuần là hiểu rất rõ đạo làm người, thấm rất kỹ lẽ thường tình trong phép đối nhân xử thế. Vì thế mà dễ gần gũi các đối tác dù rất mới. Vì thế mà được người ta thương, giúp đỡ, hỗ trợ, sẵn lòng hợp tác. Khi có quan hệ như thế thì chuyện to cũng thành nhỏ, chuyện nhỏ hoá hư không. Cho nên, hồi xưa đi làm, các quốc gia mình quản trị rất ít drama mà cực kỳ tích cực. Làm việc xong thành làm bạn. Tới giờ vẫn cứ là bạn á ới nhau đủ đường dù mỗi người có thay đổi sự nghiệp hay tổ chức kiểu gì. Ít ra, khi hai con người, dù có khác đến văn hoá, quốc tịch hay ngôn ngữ mà có chung một thứ “lẽ thường tình” thì người ta cũng tìm được điểm chung để tư duy về cách cộng tác hay giải quyết vấn đề một cách đàng hoàng, tử tế nhất khi nó xảy ra hoặc bất ngờ xuất hiện.

Trong một xã hội mà đến chuyện xếp hàng khi đến sau mà cũng không hiểu được thì có lẽ chuyện đòi hỏi sự thông hiểu và cư xử với lẽ thường tình không work lắm. Người ta không biết thứ người ta không biết. Hoặc có khi, người ta biết, nhưng ôm mớ “thường tình” đó không sống nổi với cái sự xô bồ xô bộn, khùng điên bạo ngược, đạp lên nhau mà tồn tại của xứ sở này. Con người, cuối cùng thì vẫn cứ ích kỷ làm đầu. Cho tao và vì tao đã rồi tính tiếp. Họ học bài đó từ xã hội, từ môi trường, từ trải nghiệm đau thương thực tế khi bị kẻ khác lừa gạt, chà đạp và xát muối vào những vết thương. Lẽ thường tình là nghĩa địa gì khi người ta lên bờ xuống ruộng vì hiểu nó, theo nó và giữ nó? Cho nên, nhiều người thấy không cần dạy, nhiều người thấy không cần học, số đông không quan tâm. À không, thật ra thì họ ứng dụng kiểu bán thường tình, nghĩa là mày phải cư xử theo lẽ thường tình với tao nhưng tao thì không việc gì phải mảy may quan tâm đến chuyện cư xử kiểu gì với mày. Vì đời nó thế! Cũng hay quá chứ nhỉ?

Có điều, nếu hiểu được lợi ích to lớn của lẽ thường tình, nhất là trong việc xây dựng và giữ gìn quan hệ, đặc biệt là quan hệ với những người trải đời hơn, giỏi hơn, có tầm vóc hơn, có lẽ bạn rồi sẽ có góc nhìn và cách nghĩ rất khác. Nếu lẽ thường tình trở thành công cụ và kỹ năng chiến lược để tiếp cận và xây dựng quan hệ với họ, những người có thể là đòn bẩy quan trọng nhất trong cuộc đời mình, chắc là người đời sẽ đua nhau đi học. Sự thật nó là như thế đó. Hiểu và học được cách cư xử cơ bản của đạo làm người đương nhiên sẽ giúp bạn thành công hơn, tiến xa hơn nhiều, được nhiều người hỗ trợ và giúp đỡ hơn trên hành trình phía trước. Vậy, thì bệnh gì mà cữ, việc quái gì mà không thử? Học cái này thật ra dễ lắm, chỉ cần nắm ba nguyên tắc chủ đạo sau đây:

  • Đặt bản thân vào vị trí người khác: đối xử với họ như cách bản thân muốn họ đối xử với mình. Mình muốn người ta tử tế, tôn trọng, không lừa gạt mình thì mình cũng phải chơi y hệt vậy với người ta chứ bạn. Ai chơi khôn, chơi trên cơ, lợi hốt hết còn rủi ro thì gắp than dí bỏ tay người được bạn? Chơi vậy chơi với dế, sau này tiếng lành đồn xa, có mà chơi một mình. Ngược lại, bạn chơi bạo lực, ức hiệp người ta thì cũng đừng mong người ta sẽ tử tế với mình. Đời nó không vận hành một chiều như thế đâu, nhé!
  • Điều chỉnh ego: ego chính là thứ kinh dị nhất làm cho con người ta méo mó, quên lẽ thường tình, kẹt vào vô minh. Ego nó mà lên thì thôi luôn, đừng nói chuyện phải quấy gì với ai, nước đổ đầu vịt. Tỷ lệ nghịch thôi, ego càng lớn, lẽ thường tình càng nhỏ hoặc biến mất. Còn muốn lẽ thường tình nó ngự trị thì phải vặn cái nút ego xuống xuống, giữ cho bản thân khiêm tốn, bình tĩnh, hiểu chuyện hơn.
  • Lắng nghe và học hỏi: không phải ai, ở đâu, chuyện gì nó cũng canh auto theo cái thói của bạn mà vận hành. Chỗ nào có trật tự và lề lối chỗ đó. Cho nên, đừng có hồ đồ nhảy xổm vào yêu cầu người ta phải canh theo cây thước đo của bạn. Căng mắt vểnh tai lên mà nghe mà học luật lệ ở địa bàn người ta đã. Chưa hiểu luật mà nhảy vô chơi như đúng rồi thì chỉ có bị lại thôi, nha!

Lẽ thường tình thật ra nó rất thường tình mà không chút thường tình, khi người ta coi nó là thứ không thường tình. Có điều, sự thường tình của nó lại rất là không thường tình khi nó mang tính chiến lược đối với sự thành công của bạn. Nói vậy thôi. Ai thấy cần cho mình thì học, không thì thôi. Chuyện lợi lạc của chính bạn mà, đâu liên quan ai khác.

Nguyễn Phi Vân
 

Bình luận bằng Facebook

Top