Nghĩ cho trái sầu riêng

VnExpress

Thành viên mới
Lúc ấy, dù là ngay dịp Tết, giá cam sành chỉ tầm 4.000 đồng một ký nhưng thương lái vẫn chê ỏng chê eo. Ông già Tuấn "rầu thúi ruột" vì mấy trăm triệu tiền đầu tư cho cây giống, thuê người xử lý và chăm sóc 5 công cam có nguy cơ đổ sông, đổ biển.

"Em về, thấy ông già nằm đong đưa trên võng buồn thiu, không buồn ra đón cháu nội như mọi khi mà thương", Tuấn kể.

Tuần trước, nhớ lại chuyện này, tôi gọi cho Tuấn hỏi vườn cam rốt cuộc ra sao. Tuấn nói, qua Tết mấy ngày, ông già theo dõi tình hình giá cam "thấy coi bộ không xong" nên kêu "bán xô" cả vườn cho thương lái với giá 2.500 một ký để mong gỡ được đồng nào hay đồng ấy.

Những ngày này, tràn ngập các ngả đường, vỉa hè, phố phường miền Tây, đâu đâu cũng thấy cam sành đổ đống bên cạnh những tấm biển kêu gọi giải cứu. Giải thích của lãnh đạo ngành nông nghiệp địa phương không có gì mới, nguyên nhân của thảm trạng "được mùa mất giá" cam sành là do cam chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa. Mặc dù đã được khuyến cáo, người dân vẫn không nghe, ồ ạt trồng quá nhiều dẫn đến "cung" vượt "cầu".

Lời giải thích trên rất giống cách giải thích cho trường hợp giải cứu mít Thái hay khoai lang tím cũng ở địa phương này trước đây. Tôi tự hỏi, nông sản - thế mạnh của nền nông nghiệp Việt Nam - lẽ nào trồng loại gì cũng đều đứng trước nguy cơ của vòng luẩn quẩn "được mùa mất giá", "vừa trồng lại chặt"?

Về chuyện "khuyến cáo", tôi nghĩ, nếu năm nào nhà nước cũng khuyến cáo nhưng năm nào thực trạng cũng lặp lại, thì khuyến cáo đã trở nên vô nghĩa. Quan trọng hơn, rất khó để người dân nghe theo sự "khuyến cáo suông" của chính quyền địa phương. Người dân cần phải có miếng ăn để sống, nên ruộng, vườn không thể bỏ hoang. Nếu khuyến cáo này đi kèm với một gợi ý rõ ràng, thiết thực khác thì lại là một nhẽ.

Tôi chợt nhớ trong các cuộc bàn thảo tìm giải pháp tiêu thụ nông sản ở miền Tây, có ý kiến cho rằng cần ưu tiên "nâng cấp" và bổ sung tri thức "kinh tế 4.0" nhằm giúp người dân ngồi nhà quẹt điện thoại để "chốt đơn" ngay trên cánh đồng.

Đây là một gợi mở thú vị nhưng tôi cho rằng, chưa phải là vấn đề căn cơ và bức thiết nhất, thậm chí còn có phần lãng mạn.

Xã hội hiện đại, sự phân công lao động cần phải được "chuyên môn hóa". Việc yêu cầu người nông dân một tay cầm cày, cuốc để sản xuất, một tay "quẹt" điện thoại tìm thị trường tiêu thụ là không thực tế. Việc chính của người nông dân là sản xuất, buôn bán là chuyện của thương nhân. Và vai trò của Nhà nước là xây dựng và hoàn thiện chính sách và cơ chế giám sát để tạo điều kiện cho nông dân và thương nhân hợp tác trên tinh thần cộng sinh.

Ngoài ra, đây là bài toán tiêu thụ hàng nghìn tấn nông sản chứ không phải chỉ vài buồng cau, nải chuối. Đó là chưa kể, việc vận chuyển những trái mít, trái xoài xuyên biên giới rất khác với vận chuyển quyển sách hay bộ quần áo, nhất là trong điều kiện hạ tầng giao thông (cả đường bộ, đường sắt, đường thủy lẫn hàng không) còn nhiều bất cập và hạn chế ở miền Tây hiện nay.

Từ đây, tôi cho rằng, để giải bài toán nông sản ở miền Tây cả trước mắt lẫn lâu dài, lãnh đạo ngành nông nghiệp và địa phương cần nghiêm túc xem những vấn đề nào bức thiết và quan trọng thì ưu tiên tháo gỡ trước. Nếu không, sau cây cam, cây mít, tôi lại thấy rất lo cho cây sầu riêng của bà con nông dân trong tương lai gần.

Theo Cục Trồng trọt, từ năm 2014 đến nay, người dân cả nước có xu hướng ồ ạt trồng loại cây ăn trái này, nhất là khi có thông tin về thị trường tiêu thụ ở Trung Quốc. Riêng tại Cần Thơ, từ năm 2015 đến nay đã tăng từ 537 ha lên 2.487 ha. Ước tính cả nước hiện có hơn 85.000 ha sầu riêng. Trong khi đó, theo một đề án "Phát triển bền vững cây ăn quả chủ lực" của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, quy hoạch diện tích sầu riêng cả nước đến năm 2030 chỉ ở mức 65.000-75.000 ha.

Vài tháng nay, hàng nghìn ha lúa, mít ở miền Tây tiếp tục được nông dân miền Tây phá bỏ để chuyển sang trồng sầu riêng, khiến Cục Trồng trọt tiếp tục phải ra cảnh báo.

Năm 2022, UBND Thành phố Cần Thơ cùng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn xây dựng đề án thành lập "Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ" với mục tiêu và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến 2030, trung tâm sẽ trở thành "hạt nhân" của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại ở ĐBSCL với đầy đủ chức năng như: liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Đến 2050, trung tâm sẽ là "hạt nhân" và là đầu mối của những chuỗi liên kết sản xuất, bảo quản và chế biến trước khi xuất khẩu hay tiêu thụ nội địa.

Tôi cho đây là chủ trương đúng đắn và phù hợp. Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, các cơ quan chức năng cần đẩy nhanh tiến độ cũng như cam kết đảm bảo thực hiện đầy đủ các công năng mà mực tiêu dự thảo đề án đặt ra.

Tiêu thụ nông sản ở miền Tây là bài toán khó. Trong điều kiện và bối cảnh của nền nông nghiệp nước nhà hiện nay, việc hoạch định giải pháp cho vấn đề này cần cách tiếp cận sát sườn, bớt viển vông hơn. Cách tiếp cận đó, về mặt quản trị chiến lược, đôi khi chỉ là chuyện nào quan trọng và bức thiết thì cần ưu tiên làm trước. Nhất là, phải làm bằng quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao nhất để từng bước khắc phục nghịch lý "đất giàu người nghèo" nơi đây. Chỉ như thế, cam xoài mới không cần giải cứu và sầu riêng của miền Tây mới không trở thành sầu chung của cả nước.

Nguyễn Trọng Bình
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top