THẤT BẠI TỪ KHI MỚI NHẬN VIỆC

file.png


Ngày xưa, có một chuyện đi làm thuê làm mình nổi tiếng trong tập đoàn, đó là buổi phỏng vấn 2 phút với ông chủ tịch và anh CEO tập đoàn. Mình biết rất rõ mình muốn vị trí Giám đốc marketing khu vực Châu Á Thái Bình Dương vì cần một công việc mang tính global, cần học hỏi cách quản trị global, cần trải nghiệm và kinh nghiệm thực tế để phát triển bản thân, cần một bàn đạp đầu tiên, dấn thân để có thể tiến thân vào những vị trí cao hơn trên thị trường quốc tế. Vì biết rất rõ mình đến đây để làm gì, và biết rất rõ mình có khả năng thế nào, nên buổi phỏng vấn chỉ kéo dài có 2 phút là được nhận. Ông chủ tịch hỏi, Phi làm được gì cho công ty và đối tác nhận quyền quốc tế khi nhận vị trí này? Trả lời, đối tác đang phàn nàn rất nhiều về marketing vì không biết cách làm và sợ tốn kém. Tôi sẽ hướng dẫn họ cách làm cho brand xuất hiện rần rần tại thị trường của họ chỉ với ngân sách marketing cỡ 2 ngàn USD/tháng. Điều đó sẽ giải quyết rất nhiều vấn đề giữa công ty và đối tác nhận quyền, mà công ty chỉ cần trả cho tôi 50% lương so với mức lương đang trả hiện tại cho vị trí này. Sau 6 tháng, tôi sẽ chứng minh cho ông chủ tịch thấy là tôi nên được đối xử thế nào cho xứng đáng.

“OK, tuần sau bắt đầu nha.”

Đó là buổi phỏng vấn tuyển dụng ngắn nhất lịch sử mà mình từng biết, và đương nhiên là mình được nhận. Sau 6 tháng, lương mình gấp đôi lương đã từng trả cho vị trí tương đương. Và vì mình biết rất rõ mình xin vào đây để làm gì, để học gì, mình rất công bằng với nhà tuyển dụng. Một là luôn tạo ra giá trị nhiều hơn gấp nhiều lần so với mong chờ của họ, một cách cực kỳ sáng tạo, luôn nghĩ ra 1001 thứ không có trong nhiệm vụ được giao để làm, chỉ vì thấy đó là việc cần làm cho mọi việc tốt hơn, không bao giờ so đo trách nhiệm của mình hay của ai. Mình là người cực kỳ coi trọng kết quả. Làm đủ hết mọi việc trong check list mà không tạo ra kết quả thì chẳng có ý nghĩa gì. Cho nên, có khi bỏ bớt việc trong check list, nhưng tạo ra thêm một đống việc ngoài check list để đạt được kết quả thì sẽ làm ngay, và liên tục truyền thông về việc đó với team, với sếp, và cả với dàn lãnh đạo cao cấp trong tập đoàn. Cũng nhờ vậy mà tiến thân rất nhanh lên các vị trí cao cấp về quản trị marketing toàn cầu, tổng giám đốc khu vực châu Á Thái Bình Dương, Giám đốc phát triển nhượng quyền toàn cầu phụ trách cả trăm thị trường quốc tế. Nhưng tất cả xảy ra vì đó chính là mục đích mà mình mong muốn vươn tới, và mục đích đó không liên quan gì tới tiền bạc hay tước vị. Mục dích của mình là phát triển bản thân.

Quay lại câu chuyện đi làm tại Việt Nam, mình thấy nhiều bạn trẻ rất lơ mơ, nhảy từ việc này sang việc kia một cách ngẫu nhiên, hoặc vì chút tiền, chút danh, vì cái tôi, vì nuông chiều cảm xúc bung bét của chính mình. Đi làm, chưa bao giờ là để mơn trớn cảm xúc, thoả mãn chuyện hất mặt lên trời vì mình hơn người đời chút này chút nọ. Kiểu đó là ếch ngồi đáy giếng. Mình chả hơn ai trên cuộc đời này đâu, dù đang ở vị trí gì. Còn đi làm, mà để bản thân trôi lan man từ công ty này sang tổ chức nọ, trôi lòng vòng hoài sẽ chẳng tới đâu, nếu không có mục tiêu rõ ràng là mình đến đó để phát triển bản thân như thế nào. Khi bạn hiểu mình đến đó để bản thân lớn lên như thế nào, mọi việc khác không còn quan trọng. Mọi thách thức trong công việc cũng không còn quan trọng, vì có khi chính thách thức trở thành thứ bạn cần học, khả năng vận hành được trong mọi môi trường dù thách thức cỡ nào chẳng hạn. Đó là một kỹ năng cực kỳ đỉnh và quý hiếm mà. Cho nên, đừng để bản thân thất bại từ khi mới nhận việc, vì bản thân cũng không biết tại sao mình đang làm việc mình đang làm, cuối cùng là để làm gì, để tạo ra giá trị gì cho bản thân, và sau cuộc hợp tác lao động này với công ty thì cái tầm của mình nó lên tới đâu. Việc bạn cần nhận thức và không ngừng nâng cao giá trị cho bản thân là quan trọng. Cách nghĩ nên là, tôi nâng cao giá trị bản thân thế nào để giá trị lao động 1 giờ của tôi nâng lên từ 200 ngàn đồng/giờ thành 2 ngàn đô/giờ. Tôi nâng cao giá trị bản thân thế nào để tôi không đi tìm việc nữa mà việc đi tìm tôi? Tôi nâng cao giá trị bản thân thế nào để tôi làm ngày càng ít đi mà hiệu quả ngày càng lớn hơn?

Khi ta thoát ra khỏi sự tủn mủn, linh tinh của chút tiền chút danh, và nhìn thấy một bầu trời lớn hơn, ta sẽ tính toán khác, ta sẽ tập trung khác, ta sẽ sử dụng thời gian khác, ta sẽ có chiến lược đầu tư cho bản thân rất khác. Đương nhiên, ai cũng phải cơm áo gạo tiền, có thực mới vực được đạo. Nhưng thứ ta cần để tồn tại đôi khi chẳng mấy. Bữa cơm dưa cà vài chục ngàn cũng xong một ngày. Bữa cơm sơn hào hải vị vài triệu cũng đầy một bữa, mà còn sợ bị cholesterol. Hy sinh một chút hôm nay để đầu tư cho bản thân ngày mai không thiệt đi đâu cả. Tôi chưa bao giờ vì chịu thiệt một chút hôm nay mà không nhận lại gấp vạn lần ngay mai. Chưa bao giờ! Cho nên muốn tính thì tính bài toán rộng hơn, bao la hơn, lâu dài hơn, và không ngừng nâng cao giá trị tài sản cá nhân, là khả năng, là kiến thức, là bản lĩnh, là trải nghiệm, là uy tín, là network quan hệ, vv. Khi giá trị tài sản cá nhân của bạn càng lớn, lợi nhuận bạn nhận về từ việc đầu tư tài sản đó càng cao. Và vui nhất là, bạn tự do lựa chọn sử dụng và đầu tư tài sản cá nhân đó thế nào, theo cách của bạn, theo lựa chọn và mong muốn của bạn chứ không phải là của ai đó khác.

Cho nên, đôi khi ta cần thoát ra khỏi sự loay hoay, khỏi vòng xoáy thường tình, đặt cho bản thân những câu hỏi khó, để định hình hành trình giá trị của bản thân phía trước. Bắt đầu từ điểm đến, nơi bạn muốn chạm vào, và vẽ con đường ngược về điểm xuất phát hôm nay. Vậy, bạn sẽ biết mình cần học gì, nâng cấp kỹ năng thế nào, trải nghiệm môi trường và công việc ra sao, xây dựng thương hiệu và uy tín cá nhân thế nào. Đi làm lúc này không còn là bao nhiêu tiền và chức danh gì nữa, mà sẽ là nó tạo ra giá trị gì, đóng góp cụ thể thế nào trong kế hoạch chạm vào điểm đến của bạn. Cuối cùng, chẳng ai được mất gì ở đây. Vẫn cứ là có lợi đôi bên. Chỉ là cách bạn tính toán lợi ích sẽ hoàn toàn khác đi, không phải là một cuộc giao dịch mà là một cách đầu tư. Đầu tư thông minh vào cách bản thân sử dụng thời gian và nâng cao giá trị tài sản cá nhân từ công việc sẽ giúp bạn thoát ra khỏi chiếc vòng lẩn quẩn của chuyện làm thuê, và thành công ngay từ khi nhận việc.

Nguyễn Phi Vân
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top