Nguyễn Phi Vân
Chuyên gia
Sáng nay, ngồi cà phê với đứa em, nghe nó kể về thời hoàng kim của business gia đình, trong ngữ cảnh đang “lao dốc”, khó khăn, và đang tìm đường thoái lui. Ôi, thời hoàng kim!!!
Ai trong chúng ta, doanh nghiệp, tổ chức, quốc gia nào rồi cũng trải qua thời hoàng kim. Đó là đỉnh cao của mọi thứ, tiền tài, tiếng tăm, cơ hội, kiểu thời đến cản không nổi. Thời hoàng kim của mỗi người sẽ khác nhau, là những đỉnh cao khác nhau, là những sự huy hoàng khác nhau. Tuy nhiên, tất cả thời hoàng kim đều có một điểm chung, đó là nó đặt để ta lên điểm cao nhất của điều ta mong ước, có thể là tiền bạc, có thể là danh tiếng, có thể là sự ngưỡng mộ, có thể là sắc đẹp và sự rạng rỡ, vv. Điều khó khăn mà nó tạo ra là, một khi đã chạm vào thời hoàng kim, có nhiều người không thoát ra được khỏi chiếc bóng đó của quá khứ. Thời hoàng kim hay thời gì, thì nó cũng chỉ là một thời, và nó sẽ trôi qua. Đời này, không có thứ gì tồn tại vĩnh hằng, và thời hoàng kim cũng thế.
Gia đình em đã ở thời hoàng kim, khi mọi thứ cứ thành công mà không cần suy nghĩ, khi tiền bạc chất đầy kho mà không cần phải tính toán gì ghê gớm, khi danh tiếng trong ngành nằm ở đỉnh cao. Để rồi, người ta mắc kẹt ở trong đó, không làm gì hay chuẩn bị gì cho đỉnh cao tiếp theo hay cho sự thoái trào. Chỉ ở đó, tận hưởng thời hoàng kim đó, tự đắc với trạng thái mình đã đạt được, và cho rằng đã chạm vào thì sẽ cứ mãi ở đó. Đây là tâm lý mắc kẹt, ăn mày quá khứ của rất nhiều người, và cũng vì nó mà tự mình tạo ra những lao đao. Chính vì không làm gì tiếp theo, không làm gì khác đi, không nhận thức được tính tạm bợ của thời hoảng kim, người ta quên đi qui luật tự nhiên của vũ trụ, có xuống có lên, sông có khúc người có lúc. Thực tế, khi bạn không làm gì, chỉ tận hưởng thành quả quá khứ, là bạn đang dừng lại, tụt hậu, đang giao cơ hội qua mặt mình cho những kẻ đến sau. Không có đỉnh cao nào là mãi mãi, cũng không có thế mạnh và vị trí hàng đầu nào là mãi mãi. Đằng sau, hay ở đâu đó, luôn có những người đang cố gắng làm tốt hơn, đang sáng tạo để disrupt - tái định nghĩa một trạng thái đang hiện hữu. Và những nỗ lực vô hình đó, có thể làm lật nhào tất cả mọi thế cờ, dù kẻ say men chiến thắng không một lần bận tâm hay lo lắng.
Cho nên, dù là thời nào, dù là đang ở đâu và tận hưởng thời thế kiểu gì, ai cũng nên tự nhắc nhở mình đừng ngủ quên trên chiến thắng. Thắng hôm nay ngày mai chưa chắc. Thắng trận này trận sau chưa chắc. Thành bại là những trạng thái nhất thời, có thể nối tiếp nhau, nên đòi hỏi người trong cuộc phải thật bình tĩnh, không kiêu ngạo khi lên, không hoảng loạn khi xuống. Chuyện gì, rồi cũng là nhất thời, và đều có cách giải quyết của nó. Khác chăng với những người hiểu được nguyên lý này, là đã chuẩn bị sẵn sàng và kỹ càng cho giai đoạn tiếp theo ngay trong chiến thắng. Cần làm gì để tiếp tục đi lên một tầm cao mới? Cần làm gì để không rơi vào trạng thái thoái trào? Cần làm gì để sustain - giữ cho thành công hôm nay bền vững, dù bằng những hình hài và bộ mặt rất khác nhau? Khi hiểu và có sự chuẩn bị này, hành trình sẽ bớt những cú sốc kiểu rơi vực từ đỉnh cao tưởng chừng như bất khả chiến bại. Thành ra, ai cũng nên thường xuyên làm bài tập reality check - kiểm tra trạng thái hiện tại của bản thân để chuẩn bị cho một hành trình bớt những cú sốc không cần thiết.
- Mình có đang trên cơ thiên hạ, trên đỉnh cao nào đó hay không?
- Nếu có, đâu có thể là giai đoạn thoái trào?
- Mình cần làm gì để ngăn cản sự thoái trào?
- Mình cần làm gì để xây dựng một đỉnh cao mới thay vì phải chống chọi với thoái trào?
- Điều gì đã giúp mình chạm vào đỉnh cao quá khứ? Những điều kiện cần và đủ đó có còn tạo ra lợi thế cạnh tranh cho mình không?
- Nếu có, thì mình có thể phát huy cho nó lợi hại hơn thế nào?
- Nếu không thì đâu là những điều kiện cần và đủ mới mình cần chuẩn bị để tạo ra lợi thế cạnh tranh mới?
- Mình cần làm gì khác đi để chuẩn bị cho giai đoạn mới?
- Mình cần nâng cấp tâm thế, kỹ năng, kiến thức, quan hệ thế nào để có thể chuẩn bị cho chặng đường mới?
- Mình có đang chủ quan ở điểm gì không? Mình có bỏ ngoài tai những lời khuyên, lời khuyến cáo của người thân xung quanh không? Nếu có, có khi mình đang sống trong quá khứ.
- Mình có đang triển khai một ý tưởng, dự án sáng tạo mới nào không? Nếu không, có lẽ mình nên xem lại. Có khi, mình đang ngủ quên trên chiến thắng chăng?
Thật ra, chuyện tự mình kiểm tra trạng thái bản thân không khó. Khó, là nhận thức được bản thân cần vận động liên tục về phía trước, phá vỡ mọi trạng thái hiện hữu để giữ cho bản thân luôn liên quan trong sự thay đổi quá nhanh của thị trường, xã hội, và tương lai.
Thời hoàng kim, ai cũng có. Giữ cho mình tiếp tục được thời hoàng kim, không phải ai cũng làm được. Thay đổi và cập nhật bản thân để có khả năng sáng tạo ra thời hoàng kim mới, rất ít người nghĩ đến. Thường thì, người ta dễ mắc kẹt vào quá khứ hơn. Có điều, nếu mắc kẹt ở đó, thì cũng như câu chuyện mở đầu của bài post này thôi. Rồi lại sẽ có người ngồi kể lể chuyện đã qua, tiếc nuối, và stress vì không biết làm sao để thoát ra khỏi những khủng hoảng tất yếu vì tâm thế hoàng kim của một ngày xưa cũ.
Nguyễn Phi Vân