Thủ tướng Áo: EU tổn hại vì lệnh cấm dầu Nga

VnExpress

Thành viên mới
"Quyết định áp lệnh cấm vận dầu mỏ là biện pháp chắc chắn sẽ gây đau đớn cho chính các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU)", Thủ tướng Áo Karl Nehammer nói khi tham dự cuộc họp của Hội đồng châu Âu tại Brussels, Bỉ hôm nay.

"Nhưng các bạn phải thực tế, nỗi đau mà chúng ta đang gánh chịu không là gì so với những gì người dân Ukraine phải chịu đựng", ông nói thêm.

Các lãnh đạo EU hôm 30/5 thống nhất cấm 90% lượng dầu nhập khẩu của Nga vào cuối năm nay, sau khi đạt thỏa thuận với Hungary tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels. Theo đó, EU loại dầu được vận chuyển bằng đường ống khỏi lệnh cấm để đổi lấy sự đồng thuận của Hungary.

EU cũng nhất trí loại ngân hàng Sberbank lớn nhất Nga khỏi hệ thống tài chính SWIFT và áp lệnh cấm thêm ba hãng phát thanh truyền hình nhà nước của Moskva.

Ông Nehammer cho biết lệnh cấm vận khí đốt sẽ không nằm trong gói trừng phạt mới này. "Khí đốt hoạt động rất khác so với dầu về mặt an ninh nguồn cung. Việc không sử dụng dầu Nga dễ dàng hơn nhiều", Thủ tướng Áo nói.

cam-dau-nga-6824-1653989084.jpg


Cảng dầu Kozmino, cách thành phố Vladivostok, vùng Viễn Đông nước Nga khoảng 100 km về phía đông. Ảnh: Reuters.


Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết dầu Nga vận chuyển qua tàu hàng sẽ bị cấm, trong khi đoạn phía nam của đường ống Druzhba, nơi chiếm 10% lượng dầu nhập khẩu của Nga, sẽ được miễn trừ. Đoạn phía bắc của đường ống phục vụ Ba Lan và Đức, hai nước đã đồng ý với lệnh cấm vận. Đoạn phía nam dẫn dầu đến Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech.

Châu Âu muốn ngăn các khoản tiền Moskva có thể thu về từ dầu khí, vốn là nguồn xuất khẩu lớn nhất và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Nga, trong bối cảnh nước này phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Florian Thaler, giám đốc điều hành công ty nghiên cứu năng lượng OilX, ước tính doanh thu bán dầu của Nga sang châu Âu đạt 310 triệu USD mỗi ngày.

Quyết định cấm dầu là một phần trong nỗ lực chấm dứt khả năng Nga sử dụng năng lượng như công cụ gây áp lực với châu Âu. Tuy nhiên, đây được coi là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn và gây chia rẽ với EU. Khoảng 25% nguồn dầu thô của châu Âu được nhập từ Nga, nhưng có khác biệt về mức độ phụ thuộc giữa các quốc gia. Những nước châu Âu càng gần Nga càng phụ thuộc nhiều hơn vào mạng lưới này.

Anh, quốc gia không thuộc EU và khai thác được dầu từ Biển Bắc, tuyên bố sẽ từ bỏ dần năng lượng Nga. Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp cũng nhập khẩu tương đối ít dầu từ Moskva. Một số quốc gia khác, trong đó có Hungary, Slovakia, Phần Lan và Bulgaria, nhập khẩu hơn 75% nguồn dầu từ Nga và có thể gặp rất nhiều khó khăn để tìm nguồn cung thay thế.

phu-thuoc-nhap-khau-7003-16539-9237-3053-1653991413.jpg


Mức độ phụ thuộc năng lượng nhập khẩu của EU. Đồ họa: Visual Capitalist.


Huyền Lê (Theo CNN)
 

Bình luận bằng Facebook

Top