Trẻ méo miệng, liệt một bên mặt khi trời nóng

VnExpress

Thành viên mới
Sáng ngủ dậy, chị Nguyễn Ngọc Mai (quận Bình Thạnh, TP HCM) thấy con trai 8 tuổi than đánh răng khó, uống nước chảy hết ra áo, mặt con bị lệch sang một bên. Chị bảo con nói chuyện và cười thì thấy bị lệch miệng, nước bọt chảy ra liên tục không mím được môi. Chị liền lái xe đưa bé vào bệnh viện khám. Bác sĩ cho biết bé bị liệt dây thần kinh số 7, tư vấn cách điều trị, tập vật lý trị liệu và hướng dẫn chị Ngọc Mai cách chăm sóc con tại nhà như xoa bóp cơ mặt, hỗ trợ khi bé tập các động tác nhíu mày, hễnh mũi, cười, huýt sáo...

Chị Ngọc Mai cho biết, buổi tối do thời tiết nóng nực, chị bật điều hòa cho hai con ngủ. Do hai con ngủ riêng, vừa bật điều hòa, vừa bật quạt thốc lên đầu, mặt. Các bé ngủ không đắp chăn nên bị lạnh.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Đức (Trưởng khoa Nội thần kinh Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, tình trạng đột ngột bị méo miệng, liệt một bên mặt là do liệt dây thần kinh số 7. Nếu bệnh nhân có thêm dấu hiệu mắt ở bên nửa mặt không bị méo, nhắm không kín thì là triệu chứng của liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên (còn gọi là liệt Bell). Khoảng một nửa các trường hợp liệt Bell là liệt thần kinh mặt nguyên phát, tỷ lệ trẻ em gặp phải cao hơn so với người lớn.

Bác sĩ Minh Đức giải thích, thời tiết oi bức, nhiều gia đình thường bật quạt chĩa thẳng vào đầu mặt trẻ ở tốc độ lớn khi ngủ; hoặc bật điều hòa lạnh suốt đêm, không mặc đồ đủ ấm, không đắp chăn mỏng... Điều này khiến trẻ bị lạnh quá mức, dễ có nguy cơ bị liệt dây thần kinh số 7. Ngoài ra, khi trẻ bị lạnh cũng dễ bị nhiễm bệnh, nhiễm virus gây liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên như virus bệnh viêm đường hô hấp, sởi, rubella, quay bị, cúm B, bệnh thủy đậu, tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng... Những trẻ mắc bệnh tự miễn hoặc đang sử dụng các thuốc làm giảm sức đề kháng cũng có nguy cơ liệt Bell.

89-3732-1653609153.jpg


Méo miệng, liệt một bên mặt khiến trẻ tự ti, mặc cảm trong giao tiếp. Ảnh: Shutterstock


Trẻ bị viêm dây thần kinh số 7 có thể có đau nhức nửa đầu hoặc không có có bất cứ cảm giác gì. Nhưng người ngoài nhìn vào sẽ thấy trẻ bị méo lệch một bên mặt, khi ăn hay uống sẽ bị chảy thức ăn hay nước ra ngoài, chảy nước mắt sống bên mắt không nhắm kín được. Trẻ không làm được các động tác như phồng má, cười, chu môi, nhăn trán.

Theo bác sĩ Minh Đức, khi trẻ có các dấu hiệu trên, việc đầu tiên phụ huynh cần làm là nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện. Dù bệnh thường không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng nếu không được điều trị kịp thời, trẻ có thể bị liệt mặt, méo miệng vĩnh viễn, để lại nhiều di chứng ảnh hưởng đến thẩm mỹ, co giật nửa mặt, loét giác mạc có thể gây mờ mắt. Khi điều trị sớm, tỷ lệ khỏi bệnh 70-100%. Trường hợp nhẹ có thể hồi phục sau 2-6 tuần hoặc nặng có thể trong 2-3 tháng.

Điều trị cho trẻ liệt mặt ngoại biên đa số chỉ cần điều trị ngoại trú, không nhất thiết phải nhập viện. Ngoài việc dùng thuốc kháng viêm liều cao sớm, phụ huynh cũng có thể được bác sĩ hướng dẫn cách xoa bóp, bấm huyệt, massage cơ mặt, tập cho trẻ huýt sáo, tặc lưỡi để nhanh trở lại trạng thái bình thường.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Bác sĩ Minh Đức chia sẻ thêm, để phòng tránh liệt dây thần kinh số 7, biện pháp cơ bản nhất là đảm bảo cơ thể con luôn được giữ ấm, tránh bị lạnh. Nếu thời tiết oi ả, nóng bức quá, cần bật điều hoà ban đêm, các gia đình chú ý hẹn giờ điều hòa hoặc tắt khi nhiệt độ phòng đã mát. Tắt máy, mở cửa để cân bằng giữa không khí bên trong và bên ngoài, sau đó mới rời khỏi phòng.

Nhiệt độ trong phòng điều hòa chỉ nên thấp hơn khoảng 5-7 độ C so với ngoài trời, không nên để điều hòa ở nhiệt độ quá thấp trong thời gian dài. Phòng của trẻ chỉ nên đặt từ 26-28 độ C, tránh để trẻ nằm thẳng luồng gió, phà thẳng vào mặt, gáy cổ, dễ gây mắc bệnh viêm đường hô hấp. Nếu nhiệt độ đủ lạnh, thời tiết không quá nóng, ba mẹ cần tắt điều hòa khi nhiệt độ phòng đã mát; luôn đắp chăn mỏng trên bụng, giữ ấm lỗ chân lông, tránh trẻ bị cảm lạnh, đau bụng... Trẻ nhỏ ngủ hay đạp chăn nên mặc quần áo cotton, dễ thấm mồ hôi giúp con có giấc ngủ ngon, tránh ngấm ngược mồ hôi gây lạnh.

76-5427-1653609153.jpg


Ba mẹ nên mặc áo thông thoáng, đắp mền nhẹ khi bật điều hòa cho trẻ ngủ. Ảnh: Shutterstock


Khi ra đường hay đến nơi công cộng, trẻ cần đeo khẩu trang để tránh bị lây nhiễm các bệnh do virus và tuyệt đối không cho trẻ tắm khuya dễ gây nhiễm lạnh cơ thể.

Phụ huynh cũng cần cho trẻ ăn đủ chất, với nhiều rau, củ, vitamin và khoáng chất trong bữa ăn hàng ngày. Vận động, tập luyện thể thao, được hít khí trời và hấp thụ vitamin D... giúp tăng cường hệ miễn dịch và tăng sức đề kháng cho trẻ.

"Khi thấy con bị liệt cơ mặt, sai lầm mà nhiều phụ huynh cần tránh thực hiện các mẹo chữa bệnh theo dân gian truyền miệng như áp đuôi lươn, đắp lá... Chúng không mang lại kết quả và làm chậm trễ việc điều trị. Phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị bệnh kịp thời", bác sĩ Minh Đức nói.

Những trẻ bị méo miệng, liệt mặt không được chữa trị kịp thời có thể khiến trẻ mặc cảm, ngại giao tiếp, khó ăn uống, khó chớp mắt... Do vậy, ba mẹ nên quan tâm con nhiều hơn, có thể trao đổi thêm với bác sĩ và giáo viên để chăm sóc phù hợp.

Minh Anh
 

Bình luận bằng Facebook

Top