Bàn về tính nóng nảy và tật hay lớn tiếng cãi cọ

Mr[K]id

Thành viên mới
Ở Việt Nam có nhiều người rất dễ nổi nóng và mỗi lần như vậy họ có thể lớn tiếng, ăn nói lung tung một cách bừa bãi, vô trách nhiệm, có khi còn dẫn đến việc xúc phạm danh dự cá nhân của người khác. Họ không cảm thấy có gì sai trái hay xấu hổ khi làm như vậy ở chốn đông người, tại nơi công cộng, và lúc nào họ cũng có vô số “Tại vì….” để bào chữa cho sự nóng tính. Ở phương Tây tình hình có khác, người ta ít khi cãi nhau và nếu có thì họ nói thẳng vào sự việc và tránh tranh luận lạc đề.

khi giao tiếp với ai người Tây ngại va chạm, tránh làm mất lòng, làm mất vui và không nói chuyện gì có thể làm cho người kia buồn phiền. Họ tự kiềm chế mọi sự không hài lòng của mình rất tốt. Vui, thích thì tiếp tục không thích, không vui thì lơ đi. Trường hợp không đồng ý với ý kiến của ai hay không bằng lòng đối với một sự việc gì, người Tây thường chỉ nói “tôi không nghĩ vậy”, “tôi không đồng ý” hay chỉ ừ hử cho qua chuyện hay làm thinh/ làm lơ. Tôi thấy trả lời như vậy là gọn, hay và không tạo cho người nghe muốn nổi “cơn điên”. Nếu muốn tiếp tục đề tài, người nói phải suy nghĩ lại, phải tìm cách khác với giải thích/ lý luận vững chắc hơn và có tính thuyết phục hơn.

Đối với người Âu Mỹ, to tiếng sỉ vã người khác – ngay cả trong trường hợp người đó sai – là một cách tự đánh mất tư cách của mình giữa chốn đông người. Bạn có thể bị đuổi việc nếu xảy ra tại chổ làm. Còn tại nơi công cộng thì sẽ có nhiều cặp mắt của người đi đường nhìn bạn với vẽ khó hiểu, bực bội lẫn sự coi thường.

Tại sao không giải quyết việc riêng một cách êm thắm? Tại sao chuyện tranh cãi riêng tư giữa hai người mà bắt người ngoài nghe và rồi bị mang tiếng gây rối, làm ồn nơi công cộng? Tại sao ăn mặt đẹp, gương mặt sáng sủa mà lại cư xử như người có trình độ văn hoá thấp kém? Tại sao ta dễ dánh mất tư cách của mình ở nơi công cộng? Mỗi người là một cá thể trong một nhóm người hay trong xã hội, bởi vậy, không có lý do gì cho phép mình phẫn nộ với một ý kiến mà mình không ưa. Mình không có quyền tấn công bất kỳ một cá nhân nào khác, dù người đó nhỏ tuổi hơn hay thuộc giai cấp thấp hơn hay là nhân viên cấp dưới của mình.

*

Người Việt chúng ta thường nói “Giận quá mất khôn”. Chỉ mất khôn, còn những đổ vỡ, thiệt hại thì sao? “giận quá mất khôn” không xác định tính nóng là một tính xấu. Câu nói này không khuyến khích nên dẹp bỏ thói xấu và cũng chưa phản ảnh chính xác hậu quả mà cơn thịnh nộ có thể gây ra.

Tôi gặp cái giải thích nữa đùa nữa thật như sau trên mạng mà ngày xưa nhiều người cho là đúng: “mọi bực tức trào hết ra miệng, lúc cực điểm thì trào ra chân, tay, chứ không để bụng, nhớ lâu, thù dai và nóng tính là dấu hiệu của người tốt. Ví dụ, Trương Phi trong tiểu thuyết Tàu có tên Tam Quốc Chí”. Tôi nghĩ, nhận định thế này tương đối đúng vào thời xa xưa, khi con người còn rất lạc hậu.

Bảo người nóng tính “không để bụng, nhớ lâu”, là không đúng – nói vậy cũng giống như bảo: khi nóng tính ta mất trí nhớ. Thật ra, bộ óc lúc nào cũng ghi nhớ mọi việc xảy ra mà ta nghe, thấy và nói. Tuy nhiên, Lúc nổi cơn thịnh nộ, đầu óc ta bị cảm xúc kiềm chế làm cho bớt sáng suốt, và rồi ngôn từ và cách sử xự không được văn hoá như lúc bình tĩnh.

Cho rằng, “người nóng tính là người tốt và không có ác ý, không thù dai”. Dĩ nhiên sai. Người Tốt không gây ra xáo trộn, bực bội, xung đột, tai hại, đổ vỡ cho người khác. Người tốt luôn có trách nhiệm với lời nói hay việc làm của họ. Đã lên cơn bất chấp hậu quả, thiệt hại có thể xảy ra cho người khác thì còn gì nữa ở trong lòng mà nói chuyện “thù dai”. Nếu còn gì ở trong lòng thì chắc phải là sự hối hận và sự dằn vặt mới đúng.

Cũng có người rất nóng tính đối với bạn bè và người thân, nhưng đối với cấp trên, phụ nữ xinh đẹp, giáo viên, bác sĩ , Thượng toạ, Cha đạo…. thì họ không bao giờ như vậy. Nhiều chàng trai tính nóng hơn lửa nhưng trong thời gian mới quen với bạn gái, chàng giấu kỹ lắm, cho đến khi lờn mặt, thân quá rồi mới sơ ý để lộ bản chất. Vâng, nhiều người chỉ nổi cơn thịnh nộ đối với người nghèo hèn, ít học hơn, chức thấp hơn mình hay khi muốn mưu lợi, ra oai. Nghĩa là: nhiều người muốn nóng là nóng, muốn không là không. Nóng tính tuỳ ý, tuỳ lúc, tuỳ người – điều này giải thích ai cũng có thể bỏ tính nóng được.

Nóng tính thường phát sinh cãi cọ. Có người quan niệm rằng khi tranh cãi thì phải hung hăng, ăn miếng trả miếng nhanh nhẹn đối thủ mới ngán. Nếu ta chấp nhận điều này thì mấy bà bán cá, mấy bà bán hàng ở chợ là tài giỏi nhất, nhiều bà có thể cãi suốt mấy ngày liền. Vậy mấy bà ấy nên mở trường dạy nghề đấu võ mồm. Chắc bạn không đồng ý? OK, dân có học khi nóng lên phải cư xử khác. Ta hãy nghĩ xem có nên cãi cọ vì lý do nhỏ nhặt hay không? Sau khi cãi có sung sướng hay vẫn thường còn hậm hực? Danh dự ta được lên giá hay bị tổn thương sau trận cãi? Cãi vặt có giải quyết được vấn đề? Vậy, tự chủ cảm xúc của mình là việc cần làm.

*

Theo tôi, nóng tính chẳng có gì sai trái, nhưng không kiềm chế mà lại lớn tiếng cãi cọ là hoàn toàn sai. Có thể đó là dấu hiệu của:

- Sự thiếu kiên nhẫn.
- Khả năng tự kiềm chế yếu kém.
- Không tôn trọng ý kiến khác biệt hoặc coi thường kiến thức của người khác.
- Thiển cận và nhỏ mọn (điều này đúng với một thiểu số) – vì chỉ thấy và chỉ muốn hơn thua liền với những chuyện vụn vặt.
- Coi nhẹ hay đùa với danh dự của mình – nóng tính trước sau gì cũng xúc phạm danh dự người khác để rồi danh dự mình cũng bị chà đạp.
- Quá tự tin, chưa ý thức được hết những hậu quả nguy hiểm mà trước sau gì cái tính nóng của mình có thể gây ra.
- Cà chớn – có một số người cố ý không kiềm chế nóng giận mà họ còn xem đó như một vũ khí.

Khi nóng tính thì cái đầu óc thông minh cũng trở thành bình thường hoặc ngu. Bởi vậy, nên tập kiềm chế cảm xúc của mình, ráng đừng để cho nó lấn lướt bộ óc thông minh, sáng suốt. Khi không kiềm chế được thì nói càng ít càng tốt.

Khi là nạn nhân thì bạn ráng bình tỉnh, không khiêu khích, không cười cợt, không run sợ hay tỏ vẽ bối rối, ít nói và khi nói thì chỉ nói vừa đủ nghe. Người đang giận dữ luôn muốn lôi kéo bạn vào cuộc đấu võ mồm và thường tấn công kịch liệt đối với kẻ cứng đầu dám chống cự, dám to tiếng hay có thái độ ăn thua.

Công bằng mà nói, ai cũng có thể nổi nóng. Có người rất thường xuyên, có người hiếm khi, có người xổ cẩn thận trong một giới hạn nào thôi, có người xổ ào ào như thác lũ. Nhưng nóng tính gây nhiều bực bội và tai hại cho người khác (và cho chính mình), vậy chúng ta hãy tập kiềm chế tính nóng nảy và cái tật hay lớn tiếng cãi cọ.

Tiếng Anh có một thành ngữ rất hay: “Two wrongs don’t make a right”. Có nghĩa là: khi người ta sai (xúc phạm/ nói xấu/ mất dạy….) đối với mình thì mình phải phản ứng phù hợp với lý lẻ, còn thấy người ta sai đối với mình, rồi mình dựa vào cái sai đó để tấn công lại, để chơi lại bằng những trò đê tiện tương tự thì mình cũng sai, cũng cùng một loại người với họ, cũng chẳng ra gì. Một cách giải thích khác: họ sai thì mình phải hành xử cho đúng (sáng suốt) mới giỏi.

Ngoài ra, người Tây còn nhiều thành ngữ khác tố cáo tính xấu này, ví dụ như:

- Do not make friends with a hot-tempered man, do not associate with one easily angered.
Đừng làm bạn với người như Trương Phi, đừng hợp tác với kẻ dễ giận.

- An angry man stirs up strife, and a hot-tempered man abounds in transgression.
Người giận dữ gây bất hoà, người nóng tính gây nhiều tội lỗi (tội phạm).

- A quick-tempered man acts foolishly….
Người nóng tính hành động một cách ngu xuẩn.

- A hot-tempered man stirs up strife….
Người nóng tính là đầu mối của sự xung đột.

- A hot-tempered man stirs up dissension, but a patient man calms a quarrel.
Người nóng tính tạo sự bất đồng ý kiến, người kiên nhẫn dẹp được cuộc tranh cãi.

Câu nào cũng tố cáo dữ dội không nương tay. Hèn chi người Tây ráng che đậy cái tật xấu xa đó và cảm thấy xấu hổ khi lỡ vi phạm.

Dù biết, hiểu, nắm vững…. nhưng thỉnh thoảng người Tây cũng nổi cơn…. như ta. Họ cũng là con người mà. Nhiều khi họ cũng la hét, phẫn nộ y như người Việt. Nhưng, thời gian “nổi điên” của họ ngắn hơn, họ cũng ít nói lung tung và khi đã bình tâm họ có thể xin lỗi để được thông cảm, bỏ qua.

Tác giả: Paulle
 

Bình luận bằng Facebook

Top