Nguyễn Phi Vân
Chuyên gia
Hỏi vậy thôi chớ mỗi người chúng ta đều có những cách rất khác nhau, tuỳ theo cá tính riêng để bắt đầu câu chuyện. Cho nên, cách thì co vô vàn cách, không bao giờ có giới hạn gì trong việc làm sao để mở đầu một câu chuyện cả. Tuy nhiên, rất nhiều người trong chúng ta vì chưa quen, chưa học, hay do bản tính rụt rè, thiếu kinh nghiệm và kỹ năng nên không biết phải làm sao khi đối diện với người lạ, đặc biệt là trong những môi trường đám đông cần networking - giao lưu giao tiếp với những người chưa từng gặp bao giờ. Trong những trường hợp đó, các bạn có thể tham khảo những cách sau đây thử xem. Cái nào thấy hợp với mình thì mang ra thử để ít nhất là bản thân biết nên bắt đầu từ đâu trong những tình huống cần giao tiếp và mở đầu câu chuyện nhé.
- Chủ động chào hỏi trước: nhiều khi chỉ cần đơn giản vậy thôi, chào anh, chào chị, rồi nói một câu gì liên quan đến ngữ cảnh hôm đó, ví dụ như hôm nay event đông quá anh ha. Cách này tôi sử dụng rất thường xuyên vì nó đơn giản dễ hiểu, dễ tiếp cận. Mình sợ bắt đầu, nhiều người khác nhiều khi cũng sợ giống y như mình. Cho nên, khi mình bắt đầu trước, người ta nhiều khi hào hứng tham gia ngay. Vậy là xong.
- GIới thiệu bản thân: Dạ em chào anh, em là….. bên công ty……. Mình tự giới thiệu thì người ta đúng phép lịch sự sẽ phải chào mình và giới thiệu lại. Vậy là câu chuyện có điểm bắt đầu.
- Nhớ & sử dụng tên: cách này rất hiệu quả. Nhớ tên ai đó và chào hỏi người ta bằng tên thì ai cũng thích cả và dễ dàng vui vẻ bắt đầu câu chuyện với bạn.
- Giới thiệu ngắn gọn, dễ hiểu và nếu được thì một cách thú vị về bản thân hoặc công ty/tổ chức của mình: khi gặp người mới ai cũng muốn biết về người đang đối thoại với mình là ai. Do đó, việc bạn có 1 bài giới thiệu hay và ngắn gọn rất quan trọng để người đối diện hiểu mình và dễ dàng bắt đầu câu chuyện với mình. Đừng nói dài dòng lòng vòng khi mới gặp ai vì sẽ l2m cho người ta ngán ngẩm.
- Giới thiệu lại bản thân nếu ai đó quên hoặc không nhận ra bạn: đừng bao giờ tổn thương khi ai đó không nhận ra mình. Mỗi người chùng ta trong đời gặp rất nhiều người và chuyện quên hay không nhớ là điều hết sức bình thường. Không nhớ thì mình nhắc thôi. Nhiều khi gặp có một lần hồi nào đó rồi thì ai mà nhớ nổi.
- Thấy ai cần giúp đỡ gì thì giúp đỡ ngay: trong một sự kiện hay không gian chung thì luôn sẽ có những tình huống xảy ra mà ai đó cần giúp đỡ, ví dụ như mở cửa, lấy ly nước, rớt đồ, vv. Khi thấy ai đó cần giúp đỡ hãy giúp đỡ ngay. Đó cũng là cách rất tốt để làm quen và bắt đầu câu chuyện.
- Hội nhập vào 1 nhóm đang có sẵn mà trong đó có người bạn quen biết: Đây là cách dễ dàng nhất để gặp người mới, từ một người quen chung. Quan trọng là khi bạn nhập vào, bạn cần hiểu nhóm đang thảo luận đề tài gì và có thể tham gia vào đề tài đó một cách tự nhiên nhất. Muốn vậy thì cần có kiến thức xã hội và có khả năng lắng nghe, trình bày.
- Nhờ một người đã quen giới thiệu với người mới: cách này hiệu quả lắm, vì người đã quen thì dễ quá rồi, và khi người quen giới thiệu người mới thì câu chuyện cứ thế tự nhiên bắt đầu mà không cần bạn phải cố gắng quá sức, nhất là khi người đã quen với bạn có quan hệ thân với người mới.
- Giữ phong thái tích cực, vui vẻ để người khác cảm thấy dễ dàng và chủ động tiếp cận: cách này thu hút người khác tiếp cận và mở đầu câu chuyện với bạn, nhất là những người rụt rè hơn đang đi tìm người để bắt đầu câu chuyện
- Chuẩn bị và tìm hiểu người mình sẽ gặp trong sự kiện: thường thì khi đi giao lưu trong sự kiện bạn sẽ biết trước đám đông đó gồm những ai, loại người gì, là sự kiện kinh doanh hay xã hội, và đề tài sẽ được trao đổi trong sự kiện đó có thể là gì. Cho nên, bạn hoàn toàn có thể chuẩn bị trước và biết mình nên gặp ai trước, nói gì, và muốn gặp ai nữa, làm sao để gặp, nhờ ai giới thiệu hay tự chủ động làm quen, vv. Khi có sự chuẩn bị, bạn sẽ tự tin hơn để bắt đầu câu chuyện.
Rồi bạn thử đi nhé. Không có gì quá khó đâu. Và nhớ là, cách tốt nhất vẫn nên là cách bạn thấy hợp với mình và tự nhiên nhất chứ không có công thức gì ở đây trong giao tiếp hay mở đầu câu chuyện cả. Practice makes perfect - chỉ cần thử và rèn luyện thường xuyên thì bạn sẽ có kỹ năng này và biến nó thành quán tính mà thôi.
Nguyễn Phi Vân