Nguyễn Phi Vân
Chuyên gia
Mình tình cờ nghe câu hỏi này do một bạn đang đi làm đặt ra cho một diễn giả về growth mindset - tư duy mở. Đứng từ góc độ của người ứng dụng thường xuyên design thinking - tư duy thiết kế vào công việc mỗi ngày, mình chưa bao giờ cho phép cùng một việc mà thất bại đến lần thứ 2 chứ đừng nói gì đến bao nhiêu lần. Ngạn ngữ có câu, đừng bao giờ uống nước 2 lần trên cùng một dòng sông. Làm gì có chuyện gì mình cứ i sì như vậy làm tới làm lui coi nó thất bại tới mấy lần? Khi bạn ứng dụng tư duy thiết kế vào cách tiếp cận giải quyết vấn đề thì, ngay khi thử nghiệm không thành công, bạn cần phải tìm hiểu nguyên nhân để rồi làm 1 trong 3 việc sau đây.
Thứ nhất là xem có nên giữ giải pháp cũ, nhưng hiệu chỉnh điều gì trong giải pháp đó để nó phù hợp hơn với hoàn cảnh và môi trường thực tế, phù hợp hơn với nhu cầu của người sử dụng. Hai là, nếu giải pháp thử nghiệm số 1 chưa phù hợp thì giải pháp ưu tiên số 2 mà team đã tạo ra là gì, mang giải pháp thứ 2 đó ra thử nghiệm. Ba là nếu cảm thấy cần phải quay lại từ khâu xác định vấn đề và xây dựng ý tưởng thì nhanh chóng quay lại, đặt lại vấn đề, chọn lại ý tưởng khác để prototype - làm mẫu thử và thử nghiệm. Như vậy, cho dù bạn chọn cách nào trong 3 cách thì giải pháp bạn sẽ thử nghiệm tiếp theo đã là một cách hoàn toàn khác, không còn là cách cũ, không còn là chuyện cũ, thì sao gọi là thất bại lần thứ hai hay thứ mấy được? Mỗi một lần chúng ta thay đổi cách tiếp cận, thay đổi cách thử nghiệm, thay đổi ý tưởng và giải pháp đã là một lần chúng ta đang bắt đầu lại 1 quá trình sáng tạo rất khác, và hoàn toàn không đang làm cùng một việc.
Chúng ta thử quay lại với qui trình 5 bước của tư duy thiết kế để hiểu rõ hơn cách tiếp cận này nhé.
Qui trình tư duy thiết kế bắt đầu từ Emphathize - Thấu cảm. Đây là giai đoạn quan trọng nhất đi tìm hiểu xem nỗi đau của khách hàng, của người dùng, của đối tượng là gì. Khi mình còn không hiểu người ta đang gặp vấn đề gì thì làm sao mình có thể giải quyết vấn đề cho được? Cho nên, trước hết phải dành thời gian tìm hiểu, cả những nỗi đau nhìn có vẻ rõ ràng đến những nỗi đau chưa bao giờ được nói ra. Phải quan sát, đặt câu hỏi, trao đổi, tâm sự để tìm cho ra nỗi đau thật sự của đối tượng là gì, và hiểu rất rõ nếu mình chữa được nỗi đau này bằng một giải pháp gì đó thì nó sẽ tạo ra tác động lớn đối với đối tượng.
Sau khi hiểu rõ về nỗi đau xong thì người ta mới bắt tay vào Define - xác định vấn đề cần giải quyết. Vấn đề được xác định dựa trên việc hiểu rõ nỗi đau của đối tượng. Ví dụ, nhân sự cảm thấy hoang mang vì còn quá nhiều vấn đề làm theo cách cũ nhưng tổ chức thì lại áp lực phải đổi mới sáng tạo chẳng hạn. Nỗi đau của nhân sự là không biết phải hành xử ra sao trong giai đoạn chuyển tiếp, làm theo cách cũ hay cách mới, tư duy theo cách cũ hay cách mới, vv. Vấn đề lúc này là làm sao tạo ra văn hoá và môi trường cộng tác, thấu cảm, pro sáng tạo cho nhân sự để họ cảm thấy an tâm tham gia vào cách hoạt động sáng tạo mà không bị sợ hãi, mơ hồ là mình có đang làm đúng hay không.
Sau khi xác định vấn đề cần giải quyết thì mới đến giai đoạn vui nhất của tư duy thiết kế là Ideate - Kiến tạo ý tưởng. Ở giai đoạn này, tất cả mọi người cùng tham gia đưa ra ý tưởng, và tất cả các ý tưởng đều phải được tôn trọng cho dù nó có điên rồ hay tẻ nhạt đến cỡ nào. Quan trọng của giai đoạn này là càng nhiều ý tưởng được đưa ra càng tốt, không phân biệt ý tưởng đến từ đâu và từ ai. Các ý tưởng sau đó được sắp xếp lại theo nhóm giải pháp. Điều kỳ diệu sẽ xảy ra ở đây vì bạn sẽ bắt đầu nhìn thấy sự kết nối của những ý tưởng khác nhau trong cùng một nhóm, bổ sung và nuôi lớn nhau, khiến cho một ý tưởng khi mới đưa ra tưởng chừng như rất yếu ớt thì sẽ được cả tập thể tiếp thêm sức mạnh vào cho nó lớn lên, vững vàng, mạnh mẽ.
Sau khi có được các nhóm ý tưởng và giải pháp rồi thì tập thể sẽ phải chọn ưu tiên thử nghiệm ý tưởng nào. Việc chọn lựa có thể dựa vào việc nó có phù hợp với môi trường, hoàn cảnh, nguồn lực hiện tại hay không. Cho nên, có thể có những ý tưởng rất out there - hay ho và sáng tạo nhưng nếu chưa phù hợp với thực tế nguồn lực của tổ chức trong thời điểm hiện tại thì có thể đó chưa phải là ý tưởng tốt nhất. Ý tưởng tốt nhất là ý tưởng phù hợp nhất với thực tế và có thể triển khai thành công. Khi đã chọn ý tưởng phù hợp để thử nghiệm xong thì team sẽ cần phải làm prototype - mẫu thử cho ý tưởng đó. Đây là cách bạn thể hiện ý tưởng sao cho đối tượng mục tiêu của bạn hiểu được và đánh giá được mức độ phù hợp của giải pháp đối với họ. Prototype có thể là bản vẽ, qui trình, có thể là sự thể hiện tạm thời của sản phẩm, miễn sao nó trình diễn được ứng dụng và chức năng cần thiết.
Sau khi đã có prototype, người ta sẽ mang ra thử nghiệm với người dùng mục tiêu, xem họ phản ứng thế nào, có hài lòng hay không, có thấy giải pháp này có tiềm năng hay không. Nếu có tiềm năng, chỉ cần hiệu chỉnh vài điều thì đối tượng sẽ có thể feedback - phản hồi để team có thể hiệu chỉnh cho nó tốt hơn. Nếu nó hoàn toàn không phù hợp, không đáp ứng được nhu cầu hay giải quyết được nỗi đau của đối tượng thì team sẽ cần phải quay lại, hiệu chỉnh lại ý tưởng, hoặc chọn ý tưởng khác để tiếp tục thử nghiệm. Dù là gì, một khi quay lại, bạn đã bắt đầu một quá trình thử nghiệm mới. Tư duy thiết kế là một vòng lặp, cứ thử nghiệm rồi ideate lại hoặc prototype lại, tới tới lui lui cho đến khi giải pháp phù hợp nhất thì thôi. Và quá trình này là quá trình sáng tạo không ngừng, ngay cả khi sản phẩm đầu tiên đã được tạo ra thì, sản phẩm đó vẫn phải được tiếp tục hiệu chỉnh, nâng cấp, cập nhật phiên bản mới sáng tạo hơn liên tục.
Cho nên, không có thất bại, chỉ có tìm ra cách mới để thử nghiệm. Càng không có thất bại tới bao nhiêu lần, vì mỗi lần hiệu chỉnh và ideate, bạn đã khởi động một qui trình mới chứ không còn làm chuyện cũ. Quan trọng là, tất cả phải thấm nhuần tư duy sáng tạo, phương pháp tiếp cận sáng tạo, và cần có một văn hoá hỗ trợ cho tinh thần sáng tạo trong tổ chức.
Nguyễn Phi Vân