Đâu làm gì khác được

VnExpress

Thành viên mới
Trong khi những người khác đồng ý tham gia khảo sát và cung cấp thông tin, anh không trả lời ngay mà muốn xem bảng hỏi của chúng tôi. Sau khi đọc một lượt, anh nhìn ra vườn nhãn cạnh nhà, không nói gì...

Tôi hỏi xem anh có thắc mắc gì về mục đích khảo sát và bảng hỏi không. Anh đặt bảng hỏi xuống và nói "Anh chị từ đâu? Là chuyên gia nông nghiệp phải không?". Giọng anh có vẻ bức xúc. "Anh chị có biết làm thế nào cứu hơn 100 gốc nhãn của tôi năm nay mất trắng. Chuẩn bị thu hoạch thì mưa, nhãn thối hết cả". Nói xong, anh lẳng lặng bỏ đi.

Sinh sống ở thành phố và không làm nông nghiệp, mỗi sáng tỉnh dậy, xem thời tiết với tôi đơn giản chỉ là biết hôm nay trời mưa hay nắng, nóng hay lạnh, để mặc gì phù hợp cho mình và cho con, nên đi xe máy hay ôtô.

Nhưng với những người nông dân mà tôi đã gặp trong chuyến khảo sát tháng 12 vừa qua, thời tiết ảnh hưởng đến năng suất mùa vụ - nguồn thu nhập chính của họ. Đi qua bốn tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, chỉ cần nhìn gương mặt những người nông dân mà tôi khảo sát, tôi có thể đoán nơi nào vụ vừa rồi mưa thuận, gió hòa, thu hoạch tốt, giá cả ổn.

Hoạt động canh tác của người nông dân chứa đựng nhiều rủi ro. Thời tiết thuận lợi thì mùa màng bội thu, nhưng được mùa lại mất giá. Nhiều khi biết lỗ mà vẫn phải làm. Vì họ đâu có lựa chọn nào khác. Những người nông dân trồng cây ăn trái bảo tôi: "Đến thời điểm đó thì phải kích thích cho cây ra bông, đâu có thể nghỉ được. Cây mà nghỉ một năm thì năm sau không ra trái được nhiều nữa". Hay người khác nói "Đến lúc phải xịt thuốc thì xịt thôi. Trời mưa thì mình xịt lại. Đâu làm gì khác được".

Câu nói "Đâu làm gì khác được" bám vào tâm trí tôi. Hoạt động canh tác nông nghiệp vốn đã nhiều rủi ro, bất trắc. Biến đổi khí hậu lại càng làm nó trở nên bất định hơn.

Người nông dân xem thời tiết cũng như giáo viên lâu năm chấm bài hay bác sĩ nhiều kinh nghiệm đoán bệnh. Họ bảo chỉ cần xem hướng gió, nhìn trời là biết được nắng mưa thế nào. Kinh nghiệm tích lũy qua nhiều năm canh tác giúp họ biết được một số quy luật thời tiết nhất định. Người nông dân có thể dự đoán thời tiết tại một số thời điểm trong năm và biết cần thực hiện kỹ thuật hay hoạt động canh tác nào để cây trồng có thể phát triển tốt trong những thời điểm đó.

Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đã và đang làm "xáo trộn" những hiểu biết dựa trên kinh nghiệm của họ. Những người trồng sầu riêng ở Sóc Trăng ngơ ngác: "Mọi năm, đến thời điểm này là tiết lạnh, sầu riêng sẽ ra bông. Mà chú đợi mãi vẫn chưa tới con ơi!". Và họ cũng chỉ biết chờ đợi...

Để ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, chúng ta có cả những giải pháp cứng và "mềm". Và thông tin là một trong những giải pháp đó.

Khảo sát mà tôi đang tham gia hướng tới mục tiêu đánh giá nhu cầu sử dụng dịch vụ khí hậu của người nông dân qua các nền tảng số như tin nhắn SMS, ứng dụng di động... Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), dịch vụ khí hậu là "Dịch vụ cung cấp các thông tin khí hậu, hỗ trợ việc ra quyết định của các tổ chức và cá nhân".

Trong nông nghiệp, dịch vụ khí hậu có thể cung cấp cho người nông dân những hướng dẫn sản xuất ngắn hạn về chăm sóc cây trồng như thời điểm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay thời điểm bón phân. Ví dụ, khi thời tiết mưa nắng xen kẽ, nhiệt độ, ẩm độ cao, tạo điều kiện cho sâu, bệnh hại phát triển, người nông dân sẽ nhận được những khuyến cáo về việc nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ cây trồng.

Đó cũng có thể là những khuyến nghị dài hạn dựa trên dự báo về khí hậu từ ba đến sáu tháng, giúp người nông dân lựa chọn giống, lập kế hoạch gieo trồng, hay có biện pháp canh tác phù hợp cho mùa vụ sắp tới.

Người Bắc Âu thường nói: "Không có thời tiết xấu, chỉ có quần áo không thích hợp". Dù trời có mưa hay có tuyết rơi, họ vẫn tham gia các hoạt động ngoài trời vì họ đã chuẩn bị sẵn sàng.

Việc so sánh giữa mặc quần áo phù hợp với thời tiết và canh tác làm sao phù hợp với thời tiết là một so sánh không thực sự hoàn hảo. Nhưng tôi tin rằng những khuyến nghị nông nghiệp dựa trên thời tiết sẽ giúp người nông dân giảm thiểu phần nào rủi ro trong canh tác, có sự chuẩn bị tốt hơn trước những tác động của biến đổi khí hậu.

Những trải nghiệm mất mát do biến đổi khí hậu mang đến một nhận thức rõ ràng rằng, không thể trông đợi hoàn toàn vào sự trù phú của đất đai, sự ưu đãi của thiên thời, kể cả ở những vựa nông sản như Đồng bằng Sông Cửu Long. Người nông dân cần được tiếp cận những dịch vụ thông tin cung cấp hướng dẫn canh tác dựa trên phân tích dữ liệu quá khứ và dự đoán về thời tiết, khí hậu. Nhờ đó, họ có thể tự tin đưa ra những quyết định trong hoạt động sản xuất nông nghiệp của mình, hơn là chỉ làm theo thói quen và nghĩ rằng mình "đâu làm gì khác được".

Lương Vân Lam
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top