Nguyễn Phi Vân
Chuyên gia
Mình sinh ra trong đời, có người trôi lênh đênh, bất định theo dòng đời, có người tìm ra định hướng và nắm bản đồ hay GPS trong tay. Cũng có người khi này khi kia, khi biết mình đi đâu nhưng cũng đôi khi lạc hướng tại một ngã rẽ nào đó trong cuộc sống. Ăn thua là, bạn có nhận ra mình đang trôi hay đang làm chủ hành trình phía trước của mình. Đương nhiên, không có thứ gì là 100% cả. Nhưng tận nhân lực tri thiên mệnh. Khi bản thân đã làm hết tất cả mọi thứ để làm chủ và chủ động chịu trách nhiệm cho cuộc sống của chính mình thì, phần còn lại thêm chút may mắn hay chông gai là do vũ trụ đặt tên.
Vậy thì, bản thân mình nên chủ động chịu trách nhiệm chuyện gì cho bản thân trong cuộc đời này, để ít nhất là bạn không còn buông xuôi, để mặc cho dòng đời đẩy mình lênh đênh về nơi vô định? Mỗi người mỗi hoàn cảnh. Mỗi người mỗi hành trình. Không ai có thể giống ai. Tuy nhiên, có vài nguyên tắc cơ bản mà ai cũng nên biết để làm điểm tựa cho dự án quan trọng nhất trong đời này, dự án chấm dứt lênh đênh….
Biết rõ mục đích sống
Ai đang hiện diên trên thế gian này mà biết rõ vì sao mình đến đây, biết rõ sứ mệnh và giá trị mà bản thân sẽ tạo ra cho đời thì người đó là người may mắn nhất. Đã gọi là đời thì nó đủ thứ chuyện, từ vui đến buồn, từ hay đến tệ, từ có lý đến cực kỳ vô lý, từ hạnh phúc đến tận cùng của đớn đau. Đã gọi là đời thì, hành trình sẽ chẳng bao giờ bằng phẳng cả. Rồi sẽ có khi bay bổng, lâng lâng ngập tràn ánh sáng. Rồi sẽ có lúc ngã sóng soài trên những chông gai. Không ai biết trước được phía trước sẽ là gì, ra sao và gập ghềnh đến thế nào. Chúng ta chỉ có thể mở lòng, đón nhận bất kỳ chuyện gì có thể xảy ra, đối diện với nó một cách trực diện và giải quyết nó theo cách phù hợp nhất với hoàn cảnh hiện tại.
Sự khác biệt ở đây là, người biết rõ mục đích sống và điểm đến của mình trong đời sẽ luôn rõ ràng về quyết định và lựa chọn. họ không bị sao nhãng, không bị co kéo vì thiếu quyết đoán, không bị loay hoay vì không biết đâu là hướng đi đúng cho mình. Họ không có điểm tựa để lựa chọn, không có lý do chắc chắn vì sao tôi lại lựa chọn hướng đi đó, không sure về lựa chọn của mình, càng không tự tin sau khi đã lựa chọn, khiến cho hành trình luôn ngập ngừng, tiến tiến lùi lùi theo sự chập chùng của cảm xúc cá nhân. Quyết định như không quyết định. Lựa chọn nhưng không quyết liệt triển khai hay dấn thân vì lựa chọn của chính mình. Cứ như vậy, họ lang thang, lênh đênh giữa cuộc đời này như chiếc xuồng quay vòng khi người chèo xuồng không biết chèo, chưa học chèo, tưởng dễ nhưng không hề dễ….
Cho nên, làm gì làm, mọi quyết định và lựa chọn phía trước của mỗi người nếu thiếu đi kim chỉ nam cuộc đời, mục đích sống, thì thật ra chỉ là lự chọn hên xui, không dựa trên một nền tảng hay nguyên tắc cơ bản gì. Khi la bàn cuộc đời bạn nó không vận hành, không chỉ đúng hướng thì cuộc đời đó rồi đi về đâu làm sao biết? Cũng vì vậy, trách nhiệm quan trọng nhất trong đời của mỗi người là tìm ra mục đích sống của chính mình làm nền tảng cho mọi sự định hướng và hành trình phía trước. Tại sao bạn đến đây? Tại sao bạn lại sinh ra và bước đi trong cuộc đời này? Cuối cùng, bạn đến trần gian để làm gì và để làm gì trước lúc check out? Có khi, bạn cần phải quay về với chính mình, quay vào bên trong để tìm ra lý do cái đã. Không có đủ lý do, bạn rồi chỉ loay hoay theo vòng xoáy, phí thời gian và nguồn lực của bản thân, để rồi cũng không biết mình sẽ đi đâu, về đâu trong cuộc đời này….
Hành động theo mục tiêu
Khi đã rõ mục đích sống của mình là gì, mục tiêu trước mắt của mình là gì trên hành trình dài đi về điểm đến, thì chuyện tiếp theo phải làm là hành động. Mọi thứ bạn làm, mọi lựa chọn bạn đặt để, mọi hành động bạn tạo ra đều nên đóng góp cho mục tiêu đó, tạo ra giá trị cho mục tiêu đó, hướng về phía mục tiêu đó. Bằng không, thì việc bạn đang làm nó lại là sao nhãng, làm như không làm, làm nhưng chẳng tạo ra giá trị gì rõ ràng cho bản thân. Vậy, gọi là phí phạm thời gian và nguồn lực. Hơn nữa, khi làm như không làm, không tạo ra giá trị cụ thể nào thì con người rất dễ bị rơi vào trạng thái chán nản, mệt mỏi, cạn kiệt vì mất tinh thần, mất động lực và cảm hứng. Có ai không biết mình đang làm gì, vì cái gì mà vui vẻ và hạnh phúc đâu?
Câu hỏi bạn cần hỏi mình luôn luôn để check xem mình có đang đúng hướng hay không là:
- Việc tôi đang làm có giúp tôi đạt được mục tiêu đã đề ra?
- Tôi cần làm gì khác đi hay tốt hơn để các hành động tiếp theo sẽ đóng góp tốt hơn cho mục tiêu đã đề ra?
Còn nếu hỏi xong mà câu trả lời là không đóng góp gì hết thì có lẽ bạn cần xem lại, vì những việc bạn đang làm có khi là vô ích và lãng phí thời gian. Nếu bạn biết phản tư, review và cải tiến hành trình tạo ra giá trị cho mục tiêu thì bạn sẽ ngạc nhiên vì sự tiến bộ vượt bậc của mình.
Không ngừng nâng cao bản lĩnh & khả năng
Có lần tôi nhận được câu hỏi như này từ 1 bạn trẻ: “Cô ơi, em đang làm trong ngành này và rất muốn đóng góp cho đất nước và công đồng thì có đóng góp được không?” Thật ra, ngành nào cũng đóng góp được cho xã hội, nhưng câu trả lời có lẽ bạn khá bất ngờ là, nếu em thật sự muốn đóng góp thì bản thân phải trở thành người ưu tú, xuất sắc trong lĩnh vực mình đã chọn av2 theo đuổi trước đã. Không ai không xuất sắc mà đóng góp được gì hết. Mình không giỏi thứ mình làm thì mình thành so so, trung bình, cà tàng. Vậy thì thì mình đóng góp kiểu gì, đóng góp cái gì khi bản thân mình còn chưa làm gì cho ra hồn? Mà muốn giỏi, muốn xuất sắc, muốn trở thành người có khả năng và bản lĩnh thì mình phải làm sao?
Không ai không học hành, không rèn luyện, không trải nghiệm mà trở nên xuất sắc cả. Nếu người ta học 1 mình phải học 10. Nếu người ta cố gắng 1 mình nên cố gắng 100. Nếu người bình thường lơ mơ, la cà, chểnh mảng chuyện học hành và rèn luyện thì mình phải tập trung, siêng năng, cần mẫn gấp vạn lần họ để trở thành cá nhân xuất sắc. Chỉ khi ta vượt lên chính mình, vượt lên khỏi đám đông trung bình bằng bản lĩnh và khả năng của mình thì ta mới có cơ hội làm chủ cuộc đời, chủ động lèo lái hành trình cuộc sống của chính mình. Nếu không, dù có nhận ra mục tiêu của mình là gì đi chăng nữa thì cũng không đủ sức để hiện thực hoá mục tiêu đó.
Như vậy, gọi là bất lực hay lực bất tòng tâm. Không có cảm giác nào rơi tự do hơn cảm giác biết mà không làm được vì thiếu năng lực này. Thiếu thì phải bổ sung. Không có thì phải học và rèn luyện cho có. Có rồi thì phải cập nhật, nâng cấp cho nó thành siêu đẳng nhất có thể. Hành trình học hành và rèn luyện là hành trình cả đời, không bao giờ được gián đoạn hay dừng lại. Chỉ bằng cách như thế, con người mới trở nên ngày càng bản lĩnh và có khả năng. Có thế, thì mớ lèo lái được cuộc đời và hết lênh đênh theo số phận.
Tập trung
Bạn có thấy ai làm đủ thứ, không thứ gì ra thứ gì, nay này mai khác mà thành công chưa? Tôi thì chưa. Người xuất sắc và thành công người ta tập trung cao độ, chăm chú triển khai và làm xuất sắc nhất việc đang làm, không mảy may sao nhãng, không bao giờ buông này chụp kia để rồi không thứ gì ra ngô ra khoai. Khi đã hiểu mục tiêu của mình là gì, xác định mức độ ưu tiên của những việc cần làm để đóng góp vào mục tiêu đó rồi thì chính sự tập trung triển khai 20% những công việc ưu tiên tạo ra 80% tác động cho mục tiêu là điều cần thiết nhất. Thời gian của ai cũng có hạn. Mình dành thời gian đó để làm gì cho nó đóng góp nhiều nhất và hiệu quả nhất vào mục tiêu đã đề ra mới là lựa chọn thông minh. Người tập trung hiểu rất rõ cách quản trị quỹ thời gian và chế độ ưu tiên trong công việc và cuộc sống để tập trung hoàn thành những thứ quan trọng nhất.
Và vì tập trung, vì quyết liệt hoàn thành nên họ luôn ở trong trạng thái rốp rẻng, nghĩa là cần phải hoàn thành ngay và luôn, nhanh chóng, không cho phép bị delay hay trì hoãn vì bất kỳ ai hay hoàn cảnh nào. Nếu có trở ngại thì họ lập tức giải quyết liền, dẹp phăng những chướng ngại để hành trình lập tức tiếp tục. Cũng chính vì vậy mà họ theo dõi và xử lý tình huống hiệu quả, giúp đạt được kết quả theo mục tiêu đã đề ra. Vậy, thì thành công thôi chớ có gì ghê gớm lắm đâu. Chủ động và quyết liệt là điều khiến họ triển khai được thành công bất kỳ mục tiêu nào khi thật sự tập trung.
Sáng tạo
Bạn có thấy ai có một cách làm hoài, năm này qua năm khác mà trở nên xuất sắc không? Ủa, thời thế luôn thay đổi, xã hội không ngừng đổi thay, thế giới vô cùng bất định không ai biết trước chuyện gì rồi sẽ xảy ra thì làm sao mà có một cách mang ra giải hết tất tần tật các bài toán được. Khi thế giới bên ngoài thay đổi thì cách tiếp cận của chúng ta đối với thế giới ấy muốn cho hợp thời, hiệu quả đương nhiên cũng phải đổi theo. Thời nào thế đó. Vấn đề mới nảy sinh thì phải có cách giải quyết mới. Hoàn cảnh mới ra đời thì phải có cách tiếp cận mới. Mà muốn làm được như vậy đòi hỏi con người phải sáng tạo, phải mở đầu mở óc, luôn welcome thứ mới và không ngừng đặt câu hỏi, tìm tòi học hỏi để kiến tạo giải pháp mới cho những nỗi đau mới.
Người sáng tạo họ đón nhận ý tưởng mới từ mọi phía, mọi nguồn, không phân biệt cá nhân và tha nhân, không bỏ qua bất kỳ một cộng đồng hay góc nhìn khác lạ nào. Người sáng tạo không bao giờ bằng lòng với thực tại. Họ luôn tin rằng có những cách hay hơn, tốt hơn, xuất sắc hơn, hiệu quả hơn để giải quyết một vấn đề. Do đó, họ không ngừng tìm kiếm, không ngừng cải tiến, không ngừng tư duy về giải pháp mới. Cũng chính vì vậy, họ càng ngày càng xuất sắc, càng ngày càng hiệu quả, và càng ngày càng có nhiều cơ hội để thành công. Đừng học theo công thức của một ai đó rồi cứ bốn cũ soạn lại hoài trong thời thế hiện nay. Không có đất cho người cứ khư khư ôm lấy con đường cũ. Tương lai bất định, nên tương lai là do bạn tham gia kiến tạo. Nếu thiếu khả năng sáng tạo thì làm sao mình có thể giữ cho bản thân còn liên quan trên hành trình kiến tạo tương lai?
Lênh đênh là chấp nhận buông xuôi không làm gì. Nếu đã thế thì cũng đừng yêu cầu hay mong muốn gì. Còn nếu muốn cuộc đời mình khác đi, hết lênh đênh mà chủ động tiến về bến bờ khao khát, có lẽ ai củng cần phải làm thêm vài việc, chuẩn bị thêm vài thứ hành trang, đặt vài câu hỏi khó cho bản thân, và dấn thân hành động quyết liệt theo mục tiêu mà mình đã chọn.
Nguyễn Phi Vân