Nguyễn Phi Vân
Chuyên gia
Những câu hỏi thường gặp nhất là, khi nào em nên startup, khi nào em nên đổi việc, khi nào em nên học tiếp hay học lại, khi nào em nên thay đổi, khi nào em nên thế này thế kia thế nọ…. Thật ra thì, không bao giờ có một thời điểm hoàn hảo để làm một việc gỉ đó. Nếu muốn, hãy start. Đương nhiên, khi muốn làm một việc gỉ đó, mình cần phải nghiên cứu, tư duy, suy nghĩ, chuẩn bị, vv. Tuy nhiên, tất cả những thứ đó cũng chỉ là dụng binh trên giấy, nghĩa là mình nghĩ và đặt giả thuyết thế thôi. Dụng trận rồi mới thấy có nhiều thứ nó không hề như mình nghĩ. Thành ra, hành động thật ra là cách tìm ra vấn đề thực tế nhất. Đi đến đâu, chân trời mở ra đến đó, vấn đề hiện ra ở đó, và ta, với sự chuẩn bị đầy đủ về tâm thế và kỹ năng, sẽ tìm ra được giải pháp phù hợp nhất, make sense nhất tại thời điểm đó, trong hoàn cảnh đó, với nguồn lực đó.
Dù là gì, project mới, sự nghiệp mới, hành trình mới, vv, đừng để cho bản thân rơi vào trạng thái nghĩ quá lâu, quá nhiều, tính toán quá kỹ, trông trước nhìn sau quá mức đến nỗi tâm thế dao động, tinh thần chùn bước, sợ hãi lấn sân. Thường là thế. Khi mình overthink - nghĩ ngợi và tưởng tượng ra đủ thứ rủi ro, ngữ cảnh, vấn đề, vv, mức độ quyết tâm sẽ ngày càng sa sút. Não người nó cấu tạo như thế, luôn đi tìm rủi ro, nguy hiểm, luôn nghiêng về phía tiêu cực hơn là tích cực. Cho nên cứ thứ gì mới, có vẻ không an toàn, có vẻ bất định là nó sẽ auto tìm cách ngăn cản, can thiệp, khiến bạn vì sợ hãi mà bỏ cuộc. Mà bỏ cuộc ngay từ khi mới chỉ suy nghĩ và tính toán thì thất bại nắm chắc 100% trong tay rồi, còn gì phải nghĩ? Còn nếu dấn thân để có thể hiểu đúng, hiểu rõ về hiện thực thì, cơ hội thành công đã là 50%. Dù là gì, cứ phải bắt đầu. Không bắt đầu làm sao biết thực tế sẽ ra sao? Có ai trên đời này mà lường trước được hết chuyện gì sẽ xảy ra, biết hết mỗi khúc quanh, vật cản trên từng mili-mét?
Cho nên, ai hỏi em nên làm gì lúc nào thì mình thường sẽ khuyến khích bắt đầu ngay. Bắt đầu, không có nghĩa là bỏ hết những thứ đang có để theo đuổi một cái gì hoàn toàn mới. Bắt đầu, nghĩa là bạn đã dấn thân để chuyển tiếp giữa cũ và mới, chuẩn bị cho hành trình tiếp theo, tạo ra chất xúc tác để sự thay đổi được nhanh chóng, dễ dàng, thuận lợi. Chỉ có bắt đầu, ta mới biết khó khăn thuận lợi sẽ là gì. Chỉ có bắt đầu, ta mới biết sự thật và hiện thực sẽ ra sao. Chỉ có bắt đầu, ta mới biết mình thật ra có gì thiếu gì và cần bổ sung nguồn lực gì cho hành trình phía trước. Dụng binh trên giấy là cần thiết, nhưng chỉ là cách tư duy một cách lý thuyết và theo dữ liệu lịch sử, dữ liệu quá khứ mà thôi. Mà đời này, đâu phải thứ gì nó cũng canh quá khứ mà lặp lại đâu. Trong thế kỷ sáng tạo này, thế giới đang được tái định nghĩ bằng những điều không tưởng. Vì vậy, dù là gì, cứ bắt đầu. Để cho các bạn an tâm hơn, thì có thể hỏi và tự trả lời những câu hỏi sau đây để thấy rõ tính khả thi và bớt đi nhiều sợ hãi.
- Nếu tôi bắt đầu ngay bây giờ, điều đó có tạo ra nguy hiểm hay ảnh hưởng nghiêm trọng đến bản thân, người thân không? Nếu không, thì đâu chuyện gì phải nghĩ. Nếu có, hãy hỏi mình cụ thể sự nguy hiểm đó là gì và đưa ra giải pháp cũng như thời gian để sắp xếp cho rủi ro không còn tồn tại trước khi bắt đầu. Thật ra, khi bạn tính toán nước cờ đó là bạn đã bắt đầu để make it happen - làm cho thứ bạn nghĩ nó xảy ra đó chứ.
- Top 3 những điều kiện cốt lõi, không thể thoả hiệp để có thể làm thành công việc sắp tới là gì? Thứ gì mình có thứ gì mình chưa? Nếu có đủ thì bắt đầu thôi. Nếu chưa đủ thì lên kế hoạch kiếm cho đủ để bắt đầu thuận lợi. Thật ra, khi bạn đang chuẩn bị cho đủ điều kiện để bắt đầu là ban đã bắt đầu công đoạn mise-en-place - chuẩn bị cho cái nhà bếp chuyên nghiệp của mình để nấu một bữa hoành tráng rồi đó chứ.
- Tôi có cần thời gian để dọn dẹp những ngổn ngang của chuyện cũ, của quá khứ hay không? Đâu có thứ gì trên đời này nói hết là hết, nói cắt là cắt, nói chia tay là xong đâu. Hành trình cũ đương nhiên tạo ra rất nhiều hệ luỵ. Có thể là người, có thể là quan hệ dây mơ rễ má, có thể là những nợ nần vương vấn chưa kịp tém xong, vv. Dù là gì, thì cũng nên dọn dẹp ngăn nắp chuyện cũ để hành trình mới không vướng bận. Bạn có thể làm điều này trong khi bắt đầu, nhưng có lẽ tốt nhất là làm xong trước khi bắt đầu, để không còn phải bận tâm và mất tập trung cho hành trình mới.
- Nếu hành trình mới không work out - thành công theo cái cách mà tôi tưởng tượng thì sao? Tâm thế của tôi có đang tích cực, và dù chuyện đó xảy ra, tôi vẫn xem nó là một bài học và trải nghiệm cần thiết và quan trọng? Nếu có thì tôi đã sẵn sàng. Nếu không thì tôi cần hỏi mình, điều tệ hại nhất có thể xảy ra là gì. Và điều tệ hại nhất nếu chẳng có gì tệ hại thì bắt đầu thôi. Nếu có thể tệ hại thì có lẽ tôi nên chuẩn bị phương án quản trị rủi ro đó lỡ như nó có xảy ra. Có phương án back up rồi thì bạn chắc chắn sẽ an lòng, vững tin hơn khi dấn bước.
- Nếu dấn thân vào sự nghiệp hay công việc kinh doanh mới, tự hỏi 3 người quan trọng cần có sẽ giúp tôi thành công đã có chưa? Tôi có mentor chưa? Tôi có người giúp tôi kết nối chưa? Tôi có người luôn bên cạnh ủng hộ tinh thần cho tôi dù tôi có ra sao chăng nữa chưa? Nếu có rồi thì bắt đầu thôi. Nếu chưa thì bắt đầu tìm thôi. Thật ra, việc bạn đi tìm nghĩa là bạn đã bắt đầu hành trình mới của mình.
Cho nên, vài ba câu hỏi đúng sẽ giúp bạn bớt xà quần trong mớ bòng bong của cũ và mới, của bước đi hay dừng lại, của thay đổi hay mãi mãi giam mình trong chiếc bong bóng ngỡ an toàn. Dù là gì, cứ bắt đầu. Bạn thấy rồi đó, có gì đâu mà sợ.
Nguyễn Phi Vân