Đừng nói yêu suông

file.png




Tôi gặp rất nhiều bạn trẻ Việt Nam nung nấu trong tim ngọn lửa tự hào dân tộc, muốn làm gì đó cho người Việt Nam, muốn làm gì đó để bạn bè thế giới trân trọng và ngưỡng mộ Việt Nam. Em phải làm gì giờ cô? Đó luôn là câu hỏi mà các bạn luôn đặt cho tôi. Tôi thì, là người đã trải đời bốn bể năm châu, luôn bắt đầu bằng những thứ cơ bản và đơn giản nhất, chẳng có bí quyết gì ghê gớm cả, cũng chẳng cần phải hô hào các kiểu hay túm tụm vào nhau để la làng những khẩu hiệu rỗng tuếch. Yêu, thì phải chứng minh. Đừng nói yêu suông từ bờ môi cửa miệng. Người ta nhìn vào con người và hành động. Chẳng ai rảnh ngồi đó nghe mình nói những từ hoa mỹ bao giờ.



Vậy làm sao để đừng yêu suông?



Một tuần vừa qua, khi hỗ trợ mentor cho các bạn trẻ team Phúc Tea đón đoàn đối tác từ Philippines, tôi nói với các bạn, điều duy nhất sẽ giúp cho người ta respect - tôn trọng người Việt Nam là thái độ chân thành, hiếu khách, là tính chuyên nghiệp - professionalism của từng cá nhân trong đội ngũ huấn luyện và hỗ trợ, sự chuyên nghiệp của một công ty, thương hiệu Việt Nam trong cách tổ chức và vận hành. Đừng la lối hô hào gì. Hãy để cho hành động lên tiếng. Mà muốn trở nên chuyên nghiệp thì, điều tốt nhất bạn có thể làm là học, hiểu sự chuyên nghiệp nó nhìn ra làm sao, rồi rèn luyện cho nó trở thành huyết mạch của bản thân và tổ chức. Sự chuyên nghiệp, sự xuất sắc trong mọi việc mình làm nó xuất phát từ cam kết, từ tư duy, rồi dần dà biến thành thói quen. Người chuyên nghiệp làm mọi việc đều chỉn chu, có tiêu chuẩn, và không bao giờ thoả hiệp với sự qua loa, kém cỏi, làm cho có, ngó cho qua. Người không hiểu thì cho là họ khó chịu, khó chiều. Người hiểu được thì biết rằng, không vậy thì chẳng làm gì ra trò, chẳng bao giờ có thể chạm vào chuyện gì lớn hơn, nói chi đến ba thứ lớn lao như khiến cho Việt Nam tự hào trên trường thế giới.



Cả đời, tôi cũng chỉ vin vào một việc đó để bước đi. Ra ngoài kia, người yêu Việt Nam thì ít, người có định kiến về Việt Nam thì vô số kể, tất cả thường bắt nguồn từ những câu chuyện tiêu cực về con người và cộng đồng. Chúng ta có thể cố gắng ru ngủ nhau, nhưng thực tế cần phải đối mặt nó là như thế. Cho nên, tôi luôn giữ cho mình khách quan, chấp nhận sự thật, và luôn chỉ cố gắng làm có một điều, chứng minh qua hành động về sự chuyên nghiệp của bản thân. Chỉ vậy thôi. Còn lại, hành động đó có mang lại sự thay đổi trong thái độ của bạn bè quốc tế hay không, cái đó còn phụ thuộc vào mức độ tiếp nhận và tư duy của mỗi người. Có điều, tôi tự nhận thấy sau mỗi lần làm speaker tại các hội nghị quốc tế, ít nhiều tôi đều nhận được sự chú ý và trân trọng. Nói như vậy không phải vì mình hay. Điều đó chỉ đạt được bằng cách tôi luôn nghiêm túc với vai trò và sự xuất hiện của mình, luôn chuẩn bị chu đáo nhất, luôn tôn trọng khán giả bằng nội dung phù hợp và có ích nhất, luôn làm nhiều hơn cần thiết để mỗi lần xuất hiện là một dấu ấn tốt để lại về Việt Nam. Chỉ vậy thôi. Chỉ vậy thôi. Từng bước từng bước một….



Cho nên, các bạn trẻ ạ, yêu Việt Nam không thể hiện bằng sự cuồng nhiệt rỗng không. Yêu là làm điều tốt nhất, là đại diện cho Việt Nam một cách chuyên nghiệp và xuất sắc nhất trong bất kỳ điều gì mình có thể làm, đặc biệt là trong tương tác và hợp tác với bạn bè quốc tế. Vậy thôi. Vậy, có nghĩa là phát triển bản thân đó. Đây là một số những việc các bạn có thể làm ngay hôm nay để rèn luyện bản thân thành một minh chứng sống cho bạn bè quốc tế trân trọng.



Là mình, sống tử tế​


Ở đâu cũng vậy, Việt Nam hay không Việt Nam gì thì con người ai cũng thích được người khác quan tâm, được đối xử tử tế, công bằng, tôn trọng. Người tốt hay không tốt, level cỡ nào thì, người ta đều cảm nhận được năng lượng tử tế này từ bạn, và vì vậy dễ dàng bị thu hút bởi bạn. Một hành động tử tế có thể là sức mạnh thay đổi toàn bộ những định kiến hay ngộ nhận của người khác về Việt Nam. Bản thân mình nội lực và bản lĩnh càng cao, càng biết cư xử và sống có trước có sau thì, bạn càng chính là minh chứng sống về hình ảnh con người Việt Nam. Qua bạn, người ta nhìn thấy một Việt Nam có giá trị, có nhân cách, đáng tôn trọng. Khí chất của một con người, một cá nhân, có thể trở thành hình ảnh đại diện cho một dân tộc.



Dù nghề gì, hãy làm thật xuất sắc!​


Khi tương tác, hợp tác, ai cũng đặt tiêu chuẩn của sự xuất sắc lên hàng đầu làm cán cân đánh giá. Nghề gì cũng vậy, khi bạn giỏi, khi bạn xuất sắc, khi bạn toả sáng với năng lượng tri thức và khả năng vô hạn của mình thì, bạn được người khác tôn trọng và ngưỡng mộ. Nên tôi hay nói, không làm thì thôi, đã bỏ công bỏ sức ra làm thì, hãy trở nên xuất sắc nhất. Bằng không, ai mà biết tới mình, ai mà tiếp cận mình. Vậy, thì làm sao xúc tiến cho thương hiệu Việt Nam? Không ai đòi hỏi bạn phải xuất sắc để chứng minh thương hiệu Việt Nam. Nhưng nếu bạn đã có ý đó thì, đừng bao giờ đổ thừa và biện minh cho sự thiếu xuất sắc. Quay lại, cũng chỉ là chuyện đầu tư vào sự phát triển của bản thân thôi. Đâu cần nói ba chuyện lớn lao làm gì. Mình còn không OK, làm việc chẳng ra gì thì đừng ngồi đó viễn vông ba từ giúp Việt Nam.



Chuyên nghiệp​


Chuyên nghiệp nó là thái độ, là tâm thế, là sự cam kết về tiêu chuẩn, quyết không làm đại làm càng làm cho có hoặc gian manh. Đã cộng tác thì phải minh bạch, phải cân nhắc lợi ích cho tất cả các bên, nghĩ lâu dài, nghĩ bền vững cho bản thân và cho đối tác. Nghĩ xong rồi thì làm, một cách xuất sắc và vượt trên những tiêu chuẩn cơ bản nhất, vượt xa sự mong đợi của các bên, với phong độ nhất quán, không bất thường khi mưa lúc nắng, cho dù môi trường hay hoàn cảnh có thế nào. Này không phải chuyện dễ. Nhưng không dễ thì nó mới quý, chứ dễ quá ai làm cũng được thì có gì hay. Cho nên, thấy ai chuyên nghiệp thì người ta sẽ rất tin tưởng, quý trọng và sẵn lòng hợp tác. Bạn vậy, thì tự nhiên thương hiệu Việt Nam nó lên thôi. Còn mình trước sau bất nhất, nói lung tung rồi nuốt lời, láu cá hay lưu manh vặt thì, đừng bao giờ nói chuyện em muốn đóng góp gì cho thương hiệu Việt Nam ở đây. Người ta còn không tin bạn thì ai coi trọng cái quốc gia đang chứa bạn.



Vậy ha. Giữ cho mọi thứ đơn giản nhất có thể. Đừng nghĩ đao to búa lớn. Cuối cùng, bạn có đóng góp cho Việt Nam được hay không chỉ liên quan đến sự đầu tư của bạn vào chính bạn. Mình OK thì Việt Nam OK. Mình chẳng tới đâu thì ai người ta coi trọng Việt Nam mình. Chuyện lớn nào cũng bắt đầu từ chuyện nhỏ xíu thôi mà. Chuyện tưởng chừng như vĩ đại ở ngoài kia cuối cùng là chuyện vững vàng nội lực bên trong mỗi con người và mỗi cá nhân. Khởi đầu của điểm đến chỉ đơn giản là như thế.

Nguyễn Phi Vân
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top