Nguyễn Phi Vân
Chuyên gia
Tôi nhận rất nhiều tin nhắn buồn bã, có khi chán nản, tuyệt vọng vì thấy mình không bằng ai, thấy mình thật là tệ, thấy mình chẳng ra gì khi so sánh với bạn bè cùng trang lứa. Đứa này thì lên chức này chức nọ. Đứa kia thì nhà nọ xe kia. Đứa thì gia cảnh đề huề. Đứa thì tung tăng quốc gia này thành phố nọ, vv. Còn mình thì…
Nếu phải đem ra so sánh mình với thiên hạ thì, ôi thôi, có mà ngồi đó so hết cả đời, vì đâu đó, lúc nào cũng có nhiều người hơn mình chỗ này đoạn kia. Trên đời này, mỗi người một hoàn cảnh, gia cảnh. Mỗi người một xuất phát điểm khác nhau. Mỗi người một giấc mơ, hành trình. Mỗi người mỗi level khác nhau về tư duy, tâm thế, tinh thần, khả năng, bản lĩnh…. Có người bốn mươi tuổi mới nhận ra mục đích cuộc đời mình, mới hết chênh vênh giữa dòng đời dù sự nghiệp rất thành công. Có người năm mươi tuổi mới khởi sự kinh doanh, mới bắt đầu hành trình gập ghềnh xây dựng cơ đồ. Có người tuổi ba mươi đã hiểu ra và nhận thức được nguyên lý của vũ trụ, nên sống một cuộc đời hài hoà, an yên, hạnh phúc. Có người bạc trắng mái đầu vẫn chưa hiểu ra tại sao mình tồn tại. Có người cả đời chỉ loanh quanh trong nhà, ngoài ngõ. Có người tuổi đôi mươi đã dọc ngang trải nghiệm cả thế giới này. Bạn thấy đó, đâu có mẫu số chung nào cho việc ai phải làm gì, ở đâu, tại thời điểm nào của cuộc đời. Mỗi người một hành trình. Mỗi người một timeline - dòng chảy, cột mốc thời gian rất khác nhau. Không ai giống ai. Không ai mang ra so được với ai. Vậy thì, tại sao bạn phải trượt vào mớ bòng bong loay hoay so sánh đó?
Có khi, việc của bạn là quay lại với bản thân, kiến tạo hành trình và timeline của chính mình, rồi cứ thong dong mà bước đi trên con đường mình vẽ ra, theo dấu thời gian mình đặt ra, với tốc độ mà bản thân thoải mái. Miễn sao, bạn vẫn luôn tiến về phía trước, về phía điểm đến giá trị mà mình mơ ước, theo cái cách mà mình muốn để lại dấu chân trên cát, với nguồn lực và khả năng mình sẵn có và vẫn đang phát triển hàng ngày. Đường đời khi chậm khi nhanh, lúc gập ghềnh khi bằng phẳng. It’s OK - có sao đâu, là lẽ đương nhiên, mỗi hoành cảnh một cách lèo cách lái. Hành trình cuộc sống có khi lên lúc xuống, khi đỉnh vinh quang lúc chạm đáy của mọi sự ê chề. It’s OK - có sao đâu, âu cũng là chuyện thường tình. Đời mà, làm gì có chuyện lúc nào cũng cát tường, như ý. Làm người, tinh thần có khi lên khi xuống, lúc năng lượng bừng bừng, khi cạn kiệt đến chẳng buồn nhớ mình là ai và tại sao lại có mặt ở cõi này. It’s OK - có sao đâu, ai rồi cũng có khi chao đảo trong đời. Quan trọng là, bạn give up - chịu thua và bỏ mặc bản thân mình rơi tự do hay đủ dũng cảm để gượng dậy, đứng lên và bước tiếp. Người ta chỉ khác nhau ở đó mà thôi. Ai cũng ngã, có người đứng dậy, nhưng có người cả đời chỉ biết nằm rên rỉ.
Đường ai người ấy đi. Mỗi người một hành trình. Mỗi người một timeline rất khác nhau. GIờ, bạn cần bỏ qua chuyện so sánh với bất kỳ ai, focus - tập trung vào chính mình, vào hành trình của mình, vào timeline của mình để đi đến nơi mình mong muốn. Khi và chỉ khi bạn tập trung giải quyết vấn đề của bản thân chứ không phải là so sánh, đổ thừa và buồn bã cho số phận, hành trình của bạn mới bắt đầu, cuộc sống của bạn mới sang trang. Có đi rồi có đến. Không đi, ngồi đó ôm cục than thì một ngàn năm sau cũng chỉ là bộ xương khô ngồi còng lưng ôm đúng cục than xưa. Nếu đã rõ điều này, bạn có thể hỏi mình những câu hỏi sau để kiến tạo hành trình và timeline cho cuộc đời phía trước.
Điểm đến của bạn là đâu?
Sau tất cả, bỏ qua mọi sự lu xu bu ở ngoài kia, cuối cùng là bạn muốn gì? Sống an yên ở một vùng quê, tránh xa thế sự? Đứng trên đỉnh vinh quang của thành công về tiền bạc, vật chất, sự nghiệp, lợi danh? Trở thành sao Bắc đẩu, ngọn hải đăng về một giá trị đáng ngưỡng mộ nào đó cho thế gian này? Hay an trú trong hiện tại và hạnh phúc với từng khoảnh khắc? Điểm đến của bạn là gì chỉ có bạn là người biết rõ, không ai khác. Cho nên, chỉ có bạn mới có khả năng tư duy và đưa ra quyết định về điểm đến của bản thân mình.
Đôi khi, nếu chưa thật sự rõ ràng, bạn có thể nhờ sự trợ giúp từ mentor, từ người hướng dẫn. Nhưng cho dù có người hướng dẫn, quyết định cuối cùng vẫn là ở bạn. Không ai trên đời này đủ hiểu, đủ dữ liệu để đưa ra bất kỳ quyết định nào về điểm đến của bất kỳ ai khác ngoài bản thân mình. Quyết định, tại một thời điểm nào đó có thể sai, có thể là ngộ nhận cũng chẳng sao. Khi nhận ra, hiểu rõ thì mình sửa thôi. Đời của mình mà, vừa đi vừa hiệu chỉnh, miễn sao bản thân thấy OK là đủ. Đừng dại mang ra trình diễn cho thiên hạ, rồi vì áp lực công chúng đó mà ngày càng rời xa điểm đến của mình, bám theo mong muốn của họ, để cuối cùng cảm thấy bản thân vô cùng tệ hại.
Điểm đến của bạn là đâu? Mình cứ từ từ bình tĩnh hỏi mình, từ từ vui vẻ tìm câu trả lời, từ từ nhẹ nhàng đối thoại với bản thân. Không có áp lực gì ở đây. Chuyện nhà mình cứ thong dong mà sắp xếp. Có điều, đừng bao giờ quên câu hỏi, và nể - đừng bao giờ ngưng tìm kiếm câu trả lời về điểm đến của chính mình. Thiếu nó, mình biết đi về đâu? Không biết về đâu, chẳng lẽ loanh quanh hoài không điểm đến?
Xuất phát điểm của bạn chỗ nào?
Có điểm đến rồi thì phải canh nơi xuất phát mới có thể vẽ bản đồ. Điểm xuất phát chính là hiện thực của bạn, hiện thực về tư duy, tâm thế, tinh thần, hiện thực về nguồn lực, khả năng, bản lĩnh. Làm ơn trả lời chân thực, khách quan, và chính xác với bản thân về hiện thực của bản thân. Ở đây chẳng có ai khác để mà mất mặt. Bạn càng chân thực, càng chấp nhận sự thật, càng đối diện với hiện thực của bản thân và biết rõ mình đang ở đâu, bạn càng hiểu rõ làm thế nào để đi về điểm đến. Chấm đúng, từ A đến B, chấm 2 điểm thì sẽ tìm ra đường đi, dù khác lộ trình nhưng có đi có đến. Còn nếu chấm sai thì, bản đồ sai, hành trình sai, đi cũng như không đi, đi đi mà chẳng đến, đến cũng như không đến, vì đó có phải là điểm đến của mình đâu….
Cho nên, hết sức quan trọng là, đừng có làm bộ mày mặt làm gì, mình sao thì cứ chấp nhận vậy, mình tới đâu thì cứ ghi nhận vậy. Vấn đề không phải là bạn đang ở đâu. Vấn đề là bạn sẽ đi về điểm đến thế nào từ nơi xuất phát. Nhiều người vì quá care chuyện mặt mày mà không nhận ra vấn đề, cứ khư khư ôm lấy cái bóng to bự hơn khả năng thật sự của mình, rồi ngộ nhận về điểm xuất phát của mình, nên mãi lòng vòng trong chiếc mê cung do chính mình tạo ra. Không kém chẳng hơn, có sao nói vậy, có sao nhận vậy. Đừng tự ti cũng đừng ảo tưởng tự tin. Học cách thành thật với bản thân cũng là môn học chính trong đời, tránh cho bạn khỏi nhiều sự phiền phức phải loanh quanh, lòng vòng vì không dám, không chịu, không cộng tác cùng sự thật.
Bản đồ của bạn ra sao?
Khi đã có điểm khởi hành và điểm đến, người ta sẽ vẽ ra được bản đồ. Dễ thôi mà, bản đồ là đường nối giữa 2 điểm mà bạn đã xác định. Có điều, đường đi không chỉ một, không chỉ là đường chim bay dù ai cũng muốn vì đó là đường nhanh nhất. Đường đi nào phù hợp với bạn thì chỉ có mình bạn biết, vì ai cũng có hành trang, ai củng có quá khứ, ai cũng có nợ nần, trách nhiệm, mối quan tâm trong đời khác nhau. Có khi, bạn nhẹ nhàng một mình ênh lên đường thì dễ quá rồi. Có khi, bạn còn gia đình, vợ chồng, con cái, người thân, và những trách nhiệm mà bản thân cần gánh vác. Có khi, bạn còn vài điều chưa giải quyết xong với quá khứ và hiện tại. Có khi, bạn còn những sai lầm đang chỉnh sửa, nợ cũ trả chưa xong, chuyện cũ bước chưa qua, vv. Mỗi người một hoàn cảnh. Mỗi người một chuyện đời rất khác nhau. Cho nên, quẹo trái hay rẽ phải, đi tiếp hay dừng lại, dừng rất lâu hay chỉ xẹt xẹt rồi đi, tất cả đều canh vào hiện thực của chính bạn mà thôi. Không có tiêu chuẩn nào để so sánh, cũng không có con đường nào là đúng cả.
Đường đi là do bạn vẽ, theo hiện thực của bạn, theo mong muốn và nhu cầu của bạn, theo sự khả dĩ có thể hiện thực hoá hành trình. Nếu không, vẽ bản đồ để làm gì nếu biết chắc là bản đồ đó không thực tế?
Phương tiện của bạn là gì?
Có bản đồ rồi, giờ mình bàn chuyện phương tiện di chuyển. Đời này, có người đủ nguồn lực thì đi máy bay, khoang thương gia. Có người đi Shinkansen, tiết kiệm 5-6 tiếng đồng hồ cho cùng một điểm đến. Có người đi tàu chậm, xe đò, xe buýt. Có người đi xe hơi, xe nhà, vừa đi vừa ngắm cảnh, vừa đi vừa enjoy, vv. Kệ ai đi kiểu gì, đó là chuyện nhà người ta. Nhà mình có thể sử dũng phương tiện gì, đó mới là điều bạn cần cân nhắc. Vậy, nghĩa là bạn phải ngồi xuống ghi kiểm tra lại và ghi nhận chính xác nguồn lực mà bạn có, để còn biết mình sẽ sử dụng phương tiện gì mà đi. Bạn có nên mua xe không? Bạn có nên đoạn này đi máy bay, đoạn khác đi xe bus không? Có nên khi Shinkansen lúc thì đi tàu chậm? Phương tiện là gì, khi nào phương tiện nào, tại sao lại cần như vậy đều là câu hỏi mà bạn phải hỏi chính mình. Và quyết định sử dụng phương tiện nào, khi nào, tại sao hoàn toàn là lựa chọn dựa vào hiện thực nguồn lực và khả năng của bạn.
Có nhiều bạn trẻ tâm sự, em muốn đi du học, mà nhà em không có tiền, thế là đâm ra buồn chán. Ủa, nguồn lực mình không có thì sao lại chọn đi máy bay hạng thương gia? Chịu khó đi xe buýt chút đi, đường đi có dài hơn, gập ghềnh hơn nhưng ít ra là nó phù hợp với hiện thực của mình. Phương tiện gì đi cũng đến, chỉ là chậm hơn nhanh hơn một chút thôi. Người ta đi thẳng mình đi đường vòng, người ta đi xe mình đi tàu, khác nhau về phương tiện không có nghĩa là người ta làm được còn mình thì bỏ cuộc. Còn nếu bạn ngồi đó chờ cho đến khi mình được vũ trụ này mang hết nguồn lực đổ vào nhà bạn rồi mới chịu lên đường thì, bớt hoang tưởng đi ha, chuyện cổ tích hoang đường đó chẳng bao giờ là thật.
Bạn có phải là tay lái lụa?
Mỗi người, có level lái xe rất khác nhau. Người thì tay lái lụa, tay lái cứng, người thì bình thường thôi, người thì gặp tình huống khó chút thì loạng choạng, vv. Kỹ năng lái xe khác nhau thì điều khiển xe cũng khác nhau. Có người chạy chậm. Có người leo lên xe là rồ ga, vùn vụt. Có người không lái được đường dài, cần phải có người đồng hành, đỡ lái. Có người thuê tài xế để đỡ phải lo lắng chuyện căng thẳng khi phải lái xe, vv. Cho nên, bạn tự chạy xe một mình, cần người đồng hành hay thuê người hỗ trợ gì trên hành trình đi về điểm đến của mình, cũng là lựa chọn dựa vào hiện thực của bạn. Có người tự thân vận động được hết thì tự đi. Có người tự đi chưa vững thì phải có mentor, có người hướng dẫn và định hướng. Ai có điều kiện nữa thì thuê ekip theo hỗ trợ. Nói chung là, đi một mình, nhiều mình gì cũng tuỳ thuộc vào hiện thực của bạn mà thôi. Bạn thấy sao hợp với dáng mình thì làm, cũng không có công thức nào cho việc phải thế nọ thế kia trên hành trình về điểm đến.
Quan trọng là, bạn giữ cho bản thân luôn rõ ràng về nơi bạn cần phải đến. Còn lại, sử dụng phương tiện gì, đi đường thẳng đường vòng ra sao, đi với ai hay một mình gì đều không phải là vấn đề. Thứ gì hợp với mình thì mình lựa chọn, không cần phải áp lực bản thân. Hành trình của mình thì mình tự quyết định thôi, liên quan gì ai đâu mà phải mày với mặt.
Vậy ha. Đường ai người ấy đi. Hành trình ai người ấy quyết. Dẹp ba chuyện so sánh đi. So hoài cũng chẳng tới đâu đâu, phí thời gian vô ích.
Nguyễn Phi Vân