Nguyễn Phi Vân
Chuyên gia
Trong buổi ra mắt sách “Chào ngày mới”của tác giả Nguyễn Tuấn Quỳnh tại đường sách ngày 12/10, có bạn hỏi em không được như anh chị thì sống một đời đã đời như thế nào đây? Đây không phải là lần đầu tiên tôi nhận được câu hỏi tương tự như vậy. Rất nhiều bạn trẻ và hơi trẻ hay gửi tin nhắn về Facebook của tôi để hỏi, liệu những điều chị nói về hành trình đầy nắng gió có áp dụng được cho cuộc sống rất nhàm chán của em không.
Câu trả lời của tôi luôn là, mỗi chúng ta là một bản thể rất khác biệt, độc đáo của vũ trụ này. Chúng ta sinh ra ở quốc gia khác nhau, khu vực khác nhau, trong những gia đình khác nhau, học trường khác nhau, sống ở những khu phố Khác nhau, trong những môi trường khác nhau, có những trải nghiệm hoàn toàn khác nhau trong cuộc sống. Vì vậy, chẳng ai giống ai trong cuộc đời này. Cũng vì vậy, mỗi người chúng ta sinh ra đều mang trên mình một sứ mệnh rất khác nhau. Có thể sứ mệnh của tôi là đưa con người và thương hiệu Việt Nam ra thế giới. Vì vậy, tôi đã phải bôn ba hơn nửa đời người trên những nẻo đường ngang dọc khắp địa cầu. Điều đó không có nghĩa là tôi có một cuộc đời rực rỡ hơn bất kỳ ai đó khác.
Tôi hay nói vui là các bạn ngưỡng mộ hành trình của tôi, nhưng tôi lại ngưỡng mộ hành trình của rất nhiều người khác. Ví dụ, tôi cực kỳ ngưỡng mộ một người học trò của mình vì bạn ấy làm tàu hũ rất ngon. Chưa bao giờ trong đời mà tôi ăn được miếng tàu hủ ngon như thế. Tôi cũng ngưỡng mộ những người mẹ, người vợ chỉ ở nhà làm nội trợ. Tôi chẳng bao giờ có đủ sự bền bỉ và hy sinh, dành cả cuộc đời và tình yêu thương của mình chỉ để vun vén một tổ ấm, vun vén cho các con được học hành thành tài và trở thành người có ích cho xã hội. Tôi cũng ngưỡng mộ một số người có khả năng hiện diện. Chẳng biết bằng cách nào, họ luôn ở đó, luôn hiện diện, luôn lắng nghe và đôi khi chỉ im lặng lắng nghe không cần phải nói một lời nào. Vậy mà họ lại có khả năng chữa lành cho rất nhiều người khác.
Các bạn có bao giờ nghe câu này chưa, “90% of life is showing up - 90% cuộc sống là sự hiện diện.” Câu hỏi là, cho đến giờ phút này, ta có hiện diện với chính bản thân mình, trong chính cuộc đời của mình, với gia đình mình, với giấc mơ và hành trình của mình, với môi trường và cộng đồng mà mình đang thuộc về? Câu hỏi nghe có vẻ tầm thường, mặc nhiên, và phi lý. Chẳng phải người ta sinh ra là đã hiện diện hay sao? Mình mở mắt hàng ngày, quẹt quẹt màn hình, ăn cơm uống nước lia lịa, cuống cuồng đi làm và trả KPI mà còn không hiện diện nữa sao? Không thì làm sao lướt sóng nổi hết ngày này qua ngày khác? Sự thật là, người ta hay có mặt nhưng chưa chắc đã hiện diện. Thân bờ này nhưng tâm trí lãng đãng ở một bờ rất khác. Ngồi đối diện nhau nhưng cách nhau đến tận mấy cung đàn. Ta ở đó nhưng không hiện diện. Ta cạnh nhau nhưng chẳng thấy nhau. Cho nên, có mặt và trôi trôi một cách vô tri qua cuộc đời này chưa chắc là đang sống. Vì vậy, hiện diện nó là một năng lực. Và năng lực này cần phải được học, được rèn luyện, được ứng dụng và phát triển theo thời gian.
Trên đời này, chẳng có thứ năng lực nào sinh ra tự nhiên mà có cả. Có người sinh ra đã được trời ban cho vạch khởi đầu thuận lợi hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn đương nhiên có năng lực. 1% thiên tài và 99% mồ hôi là như thế. Vậy, ta nên bắt đầu từ đâu và rèn luyện thế nào? Chia sẻ với các bạn 3 câu hỏi đơn giản sau đây mà bạn có thể tự hỏi mình và tìm ra cách tự đưa bản thân về với sự hiện diện cho bản thân & cuộc sống này bạn nhé.
Câu hỏi 1: Ngay lúc này, tôi có đang tập trung mọi sự chú ý của mình vào việc đang làm, người đang tương tác hay chuyện đang xảy ra hay không?
Có bao giờ bạn rơi vào tình huống này chưa, ai đó ngồi trước mặt mình nhưng tâm trí họ hoàn toàn không ở đó. Mặt cắm vào điện thoại, tâm lang thang ở một không gian, thời gian nào đó chẳng liên quan. Ở đó nhưng hoàn toàn không ở đó. Họ chẳng hiểu bạn đang nói gì, chẳng biết bạn đang thế nào, không mảy may màng đến sự hiện diện của bạn tại đây, lúc này. Họ như thể đang lưu lạc ở một hành tinh khác. Trong hoàn cảnh đó, bạn cảm giác ra sao?
Chuyện thân tâm phân liệt xảy ra như cơm bữa trong đời. Thân ở đây nhưng tâm trí vởn vơ lo toàn chuyện xa gần, ngẩn ngơ quá khứ xớn xác tương lai, hiện tại lãng quên hay cố tình trốn tránh. Đừng mặt mày và gân cổ lên cãi là mình không có. Con người mà. Kẹt vào quá khứ hay rối loạn lo âu cho tương lai bất định âu cũng là chuyện bình thường. Ai chẳng vài lần hay nhiều lần như thế trong đời? Khác chăng là có người nhận thức được và thoát ra. Cũng có người cứ auto-pilot, thẳng một đường đến cuối đời chưa một lần ngoảnh lại. Nếu đã trải nghiệm cảm giác “khó khăn” vì bị tàn hình trước mặt người khác, có lẽ bạn cũng nên tránh việc khiến cuộc đời và hiện tại tàn hình? Bằng không, bạn cứ lơ ngơ lướt qua đời với zero connection - không một điểm chạm kết nối nào. Rồi một ngày xuân hân hoan nào đó trong đời, chợt nhận ra đời mình trống rỗng, cô độc và vô nghĩa…. Đó phải chăng chính là điều bạn muốn?
Câu hỏi 2: Tôi có đang qua loa, fast-forward cuộc đời mình?
Bạn xem phim “Click - Bấm remote” chưa? Phim nói về một nhân vật không thích đối diện với những chuyện bất như ý trong cuộc sống. Khi được một nhân vật bí ẩn giao cho cái remote có tác dụng tua nhanh cho qua những khoảnh khắc bất như ý này, anh ta sung sướng lắm. Từ đó, hễ đụng phải chuyện gì không vui, không thích, không đúng ý là ảnh tua ngay. Có điều, ảnh không nhận ra rằng, cuộc đời 10 phần thì hết 8, 9 phần đã là bất như ý. Thay vì đối diện và trải nghiệm, nếu cứ tua cho qua thì ta còn sống hay không?
Đời mình cũng vậy thôi. Nếu cứ qua loa, làm cho có, sống cho nhanh thì nó sẽ trôi tuồn tuột qua mau mà bản thân chẳng hề hay biết. Rồi một ngày cuối đông nào đó, ngoảnh lại ôi đã hết một đời. Khổ nỗi là, nhận ra lúc này có khi là đã quá muộn rồi. Thời gian nào có quay lại được. Cho nên, vui cũng được, khổ chút cũng xong. Thuận lợi lúc này, gian nan lúc khác. Đời có này có kia. Có những ngày tối đen thì cũng sẽ có vài ba thời sáng láng. Mà cuộc sống thì nó phải sắc màu, chập chùng, xuống lên như thế. Thấy đáy vực rồi mới biết tận hưởng đỉnh cao. Thân trải vạn nỗi đau mới nhận ra sự giản đơn của những ngày hạnh phúc. Vậy nên ta cứ welcome mọi giác diện, hình thể và gia vị của cuộc đời. Chậm lại. Hiện diện với bản thân. Tận hưởng mỗi phút giây và từng trải nghiệm mà cuộc đời ban tặng. Fast forward làm gì? Tua nhanh để làm chi? Không lẽ bạn muốn cuộc đời mình nó the end nhanh hơn thời gian lẽ ra mà mình nên có?
Câu hỏi 3: Yêu, không yêu, quên hay đừng quên?
Đời mà, có ghét có yêu, có đỉnh nóc kịch trần nhưng cũng có tận cùng vực thẳm. Có người mặc nhiên quên luôn thời sung sướng, lựa chọn quằn quại trong vũng lầy của những thước khổ đau. Có người thuộc dạng hyper - hơi tăng động về phía lạc quan nên quên hết chuyện không may và chỉ nhớ toàn là cái đẹp. Vui thiệt! Nhưng cứ như vậy nhiều khi họ lại vui vẻ lặp đi lặp lại vài ba lẩm lỗi trong đời. Có người chọn quên. Có người chọn nhớ. It’s OK. Sao cũng được. Miễn là mình đừng phiến diện. Trải nghiệm nào trong đời cũng là mảnh ghép quan trọng để tạo nên bản thể độc đáo mang tên ta. Trải nghiệm nào cũng là bài học và cơ hội để ta được lớn lên và vươn đến những tầm cao mới. Cho nên, sao phải quên đi? Sao phải chọn nhớ thứ gì? Yêu, không yêu hay lơ ngơ giữa những cảm xúc ngược chiều thì tất cả cũng là một phần cuộc sống.
Cho nên, không sao cả và chẳng có việc gì. Những chuyện xảy ra trong đời đều là gia vị cho cuộc sống này thêm thú vị. Ngọt bùi đắng cay đều có cái hay của nó. Việc gì phải chọn nhớ hay quên?
Thôi thì ba câu hỏi thật giản đơn mặc dù trả lời không chút nào đơn giản. Rất mong mỗi chúng ta rồi sẽ tìm được cho mình hành trình hiện diện, hiện diện cho bản thân, hiện diện cho cuộc đời và tất cả những gì rồi sẽ đến trong đời. Được như vậy, bạn đã có một năng lực cực kỳ quan trọng để có thể sống bình an, vui vẻ và hạnh phúc hơn. Được như vậy, rồi bạn sẽ thấy cuộc sống này sao vẫn đáng yêu đến thế….
Nguyễn Phi Vân