Hiệu trưởng khuyên sinh viên 'tìm việc khác nếu dạy học chỉ vì tiền'

VnExpress

Thành viên mới
Chiều 10/6, Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức bế giảng và trao bằng cử nhân cho hơn 2.800 sinh viên tốt nghiệp trong năm 2021 và 2022. Trước hàng nghìn sinh viên cùng hàng trăm phụ huynh, hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh có bài phát biểu 15 phút, chia sẻ nhiều điều về bổn phận và trọng trách của những người làm giáo dục.

Mở đầu, ông Minh bày tỏ tự hào và chúc mừng lứa sinh viên mới tốt nghiệp sau khi trải qua nhiều biến động vì Covid-19 trong suốt bốn năm học. Ông cũng gửi lời xin lỗi tới toàn thể sinh viên vì chưa làm được nhiều cho các em và có những lúc khiến sinh viên chưa hài lòng.

Nhân buổi gặp mặt cuối cùng, ông Minh như muốn truyền tải bài học về giáo dục, lĩnh vực mà hầu hết tân cử nhân của trường sẽ trực tiếp tham gia sau khi rời ghế nhà trường.

Ông nhấn mạnh giáo dục trước hết là hướng con người sống tử tế, có trách nhiệm, sống bằng tình yêu thương, bao dung và độ lượng. Tiếp đến là hướng họ đến sự trung thực, bản lĩnh và dám chinh phục những điều mới lạ; và cuối cùng là dám dấn thân để hành động thông minh góp sức xây đời.

Theo ông, giáo dục phải bắt đầu từ những điều gần gũi, từ chỗ dạy trẻ biết thương yêu, cảm thông với cha mẹ đến hiểu được lịch sử của đất nước để có trách nhiệm, trân quý hòa bình, lấy yêu thương và tha thứ làm đầu.

hieu-truong-nguyen-van-minh-16-5591-7643-1654868604.jpg


Ông Minh trao cuốn thư chúc mừng các tân cử nhân tốt nghiệp loại xuất sắc. Ảnh: Dương Tâm


Cùng những chia sẻ về bổn phận và trách nhiệm của những người làm giáo dục, ông dành nhiều lời khuyên cho sinh viên, trong đó có việc các em phải trở thành những người khiêm tốn.

"Mình không phải là thần tượng và đừng tự biến mình thành thần tượng. Mình phải là hiện thân của sự bình thường, có đúng, có sai và khi lỗi lầm thì nhận ra để sửa. Chúng ta không thể dạy học sinh can đảm và trung thực khi chính mình không dám đối diện với sự thật. Đừng đem cái hiểu biết hữu hạn của mình để giới hạn cái vô hạn trong trí tưởng của trẻ thơ", ông nói.

Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội cũng nói về sứ mệnh của nghề dạy học: "Nếu mục đích tối thượng chỉ là tiền bạc thì nghề dạy học sẽ không thoả mãn cho được. Các em nên tìm công việc khác phù hợp hơn. Và nếu chỉ vì tiền bạc mà đánh mất lòng tự trọng, các em cũng không nên chọn làm nhà giáo".

Kể lại câu chuyện về cô giáo ở vùng cao Mèo Vạc lần lượt gửi từng đứa con về cho ông bà để tiếp tục ở lại chăm chút đám trẻ nơi rẻo cao, phải hát ru con qua sóng điện thoại chập chờn, ông Minh cho rằng "Hạnh phúc không phải là đánh đổi mà là sự cho đi không toan tính thiệt hơn".

Ông cũng khuyên những sinh viên của mình đi nhiều nơi để trải nghiệm, chứng kiến những gian nan để thay đổi chính mình.

* Phát biểu của hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội

sv-su-pham-1654867989-3764-1654868604.jpg


Sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội chụp ảnh kỷ niệm trong lễ bế giảng. Ảnh: Dương Tâm


Bài phát biểu của hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội nhận được tràng pháo tay lớn từ phụ huynh và sinh viên. Phạm Thu Trang, tân cử nhân tốt nghiệp loại xuất sắc ngành Giáo dục tiểu học, cảm thấy may mắn khi được trực tiếp lắng nghe những lời dạy của thầy.

"Suốt bốn năm học, các thầy cô vẫn chia sẻ, tâm sự về nghề với chúng em nhưng hôm nay, khi một lần nữa được nghe thầy hiệu trưởng nói ra những lời sâu sắc đó, em thấy rất thấm thía", Trang nói.

Trước lời nhắc nhở về việc mỗi giáo viên mang trên mình trọng trách rất lớn, Trang hiểu rằng mình và các bạn không chỉ là giáo viên của những học sinh thành thị mà cũng cần tiên phong đến những nơi khó khăn để giúp đỡ học sinh.

Cùng với Trang, hơn 1.500 sinh viên được công nhận tốt nghiệp trong năm học 2020-2021 nhưng chưa được vinh danh do Covid-19 và hơn 1.300 sinh viên tốt nghiệp trong năm học 2021-2022 được dự sự kiện hôm nay, tạo ra lễ bế giảng quy mô lớn nhất của Đại học Sư phạm Hà Nội những năm gần đây.

Dương Tâm
 

Bình luận bằng Facebook

Top