Nguyễn Phi Vân
Chuyên gia
Ai sinh ra trên đời cũng muốn giàu, nổi tiếng, tự do ngông nghênh và được nhiều người ngưỡng mộ. Sự khát khao này càng lớn tại Việt Nam, sau bao nhiêu năm dậm chân trong khó khăn. Nhưng cũng chính vì khát khao làm giàu lớn hơn mong muốn làm người, vì xã hội nó truyền thông như thế, vì thời thế nó khinh khỉnh cười khẩy vào những thứ giá trị không qui ra được thành thóc như thế, vì con người sẵn sàng dẫm đạp lên mọi lẽ tử tế thường tình trong quan hệ giữa con người với con người như thế, nên cả thị trường phút chốc biến thành đấu trường thảm khốc. Ở đó, người ta giành giật của nhau, dẫm đạp lên nhau, lừa dối nhau, quay xe 180 độ với nhau, rắp tâm hãm hại nhau, vv, chỉ để giành lấy chút lợi lạc về mình. Vì chút hơn thua, vì dăm ba sự được mất, vì chút hy vọng phất lên, người ta bất chấp tất cả những gì cơ bản nhất, mộc mạc và thường tình nhất trong lẽ làm người.
Vậy rồi giờ, mình nên làm người hay làm ăn? Mình nên dạy thế hệ tiếp nối làm người hay làm ăn?
Mình có ông anh, ngán ngẩm lắc đầu, vì đời không nhớ nổi bao nhiêu lần gặp toàn trái tim lộn xộn. Ủa, mình đang hoàng quá mà, mình mong muốn mọi sự nó có lợi cho các bên mà. Mình hành xử rất là tử tế mà. Vậy, nghĩa là mình rất muốn làm người, rồi thì rất mong những con người rất người này cộng tác đàng hoàng với nhau. Chỉ vậy thôi, có đòi hỏi quá hay không? Nhưng không, người ta vẫn cứ quay xe, lo làm ăn chớ chẳng đoái hoài đến chuyện làm người. Ủa?
Mình cũng gặp nhiều người em người bạn, ngán ngẩm lắc đầu, làm ăn ở Việt Nam không đàng hoàng được đâu chị ơi. Mình đàng hoàng là chuyện ngu ngốc của mình thôi. Không ai người ta quan tâm hay biết ơn đâu. Ai cũng lo làm ăn, đạp lên nhau để làm, dám lên nhau để ăn, ai hơi đâu mà bày chuyện vớ vẩn làm người đâu chị. Cho nên, mình đàng hoàng thì mình tự chết. Mình lưu manh thì mình mới đủ sức để cùng họ chơi trò stampede - môn dẫm đạp tán loạn ai chết mặc bây. Có vậy, thì khả năng thắng còn được 50%, chớ làm người thì xuất phát điểm đã là 0%, khó quá khó, gian nan quá gian nan, làm gì mà thành công nổi ở cái thị trường không niềm tin và vô đạo đức này?
Bản thân mình thì, sau 2 năm đại dịch, do bị kẹt ở Việt Nam nhiều hơn, tham gia vào nhiều hoạt động kinh doanh ở Việt Nam hơn, cũng bắt đầu ngán ngẩm lắc đầu, có phần tuyệt vọng cho những giấc mơ Việt Nam lớn hơn. Tuyệt vọng, không phải vì Việt Nam mình không có tiềm năng. Mình có quá nhiều tiềm năng nữa là đằng khác. Nhưng tuyệt vọng, chủ yếu là ở con người…. Khổ ghê! Sao người ta quá hẹp hòi ích kỷ, quá tham lam, quá sân si, quá tiều nhân, quá tham vọng mà bất chấp tất cả. Tham vọng, nhưng không nghĩ lớn, suốt ngày toàn lo đánh nhau ba chuyện bé li ti, hỷ nộ ái ố đời thường, xà quần trong mớ co kéo không qua đầu ngọn cỏ. Vậy để làm gì? Cuối cùng rồi chẳng ai tới đâu, chẳng chuyện gì tới đâu, làm ăn thì không lớn nổi, làm người thì chắc phải mượn câu của Mark Twain “The more I learn about people, the more I like my dog - Càng hiểu về con người, tôi càng thích con chó nhà mình.”
Và đó, là hiện thực! Và hiện thực đó nó đang lù lù trước cửa nhà mình. Làm bộ không nhìn không thấy không nghe cũng không được. Làm bộ như nó không tồn tại, làm ngơ tránh tránh né né nó cũng không xong. Mà chấp nhận cái thứ hiện thực chán ngấy đó thì làm gì được nữa ở cái xứ này, nơi người ta thích chơi trò stampede? Mình không chơi thì người ta đạp lên cũng chết. Mình chơi thì mình cũng có ra cái thứ gì đâu? Có lựa chọn nào khác không? Hay là lựa chọn không liên quan? Hoàn toàn có thể như thế, nhưng cũng đôi phần áy náy, vì thương và tiếc cho Việt Nam. Hay lựa chọn làm người, bắt đầu từ 0%, đi tìm những người muốn làm người (maybe), rồi cùng nhau cày qua cái đoạn trường chênh vênh, gập ghềnh này? Vậy, thì gần như phải chấp nhận đối diện với hành trình khó hơn cả trăm lần, chịu điều tiếng và mệt mỏi hơn cả ngàn lần, chẳng vì điều gì cả… Is it worth it? Có đáng không? Có cần phải chọn con đường khó cho mình như vậy hay không? Có nên tự làm khó bản thân đến thế hay không, khi mình có rất nhiều những lựa chọn dễ dàng và thảnh thơi hơn rất nhiều?
Thật ra, tham gia hay không, liên quan hay không cuối cùng vẫn là lựa chọn và quyết định rất cá nhân của mỗi người. Mình có giá trị cốt lõi không? Mình có muốn giữ giá trị đó không? Mình có thoả hiệp vì hai chữ hoàn cảnh hay không? Mình có đánh đổi chính bản thân mình để nhận lãnh tiếng vỗ tay của đám đông không? Mình có hy sinh chữ người vì chữ con không? Mình có ngán ngẩm lắc đầu nhưng vẫn phải lao vào cái vòng lẩn quẩn? Mình có để cho đồng tiền bắt nạt? Mình có cúi đầu trước quyền thế của miệng nhà quan? Hay mình sẽ dũng cảm, chấp nhận, và chọn con đường gian nan gấp bội? Có thể mình sẽ không về đến đích. Có thể mình sẽ gục ngã giữa đường. Có thể chỉ vì chữ người mà nửa đường gãy gánh? Mình có dám nhận lãnh và dấn thân trên hành trình như thế, chỉ để được làm người?
Thôi thì, một chút cảm xúc sau khi trải qua, đọc và nghe nhiều câu chuyện làm ăn không làm người ở Việt Nam. Ai còn cảm xúc nghĩa là xã hội này vẫn còn vài tia hy vọng. Nhưng thuỷ triều rồi sẽ cứ lên và xuống. Lòng người rồi sẽ vẫn cứ phập phềnh theo những con trăng. Thôi thì lặng im cho vũ trụ giải bày, vì con hay người thì sẽ vẫn có ngày phải sayonara trần thế. Ai chọn như nào thì đó là kiếp nghiệp của riêng họ, và ta, đôi khi cứ phải cúi đầu bước đi trên con đường đã lựa chọn của chính mình….
Nguyễn Phi Vân