NGHĨ NGỢI & LO LẮNG LUNG TUNG

file.png


Thế giới càng bất định, tương lai càng mờ mịt khó đoán thì con người ngày càng đâm ra nghĩ ngợi và lo lắng thái quá. Vấn đề là, suy nghĩ và lo lắng lung tung hết nhưng không rõ ràng cụ thể là lo lắng chuyện gì và suy nghĩ thứ chi. Sự mơ hồ, chung chung, suy nghĩ lo lắng đủ thứ, cái này quận vào cái kia, cái kia lia sang cái nọ nó làm cho mọi thứ dường như phức tạp hơn, rối bời hơn, mệt mỏi vì cảm thấy nó đâm ra quá sức, vượt quá giới hạn có thể giải quyết của bản thân.

Gần đây, tôi nhận rất nhiều tin nhắn kiểu như thế, em không biết phải làm sao, em lo lắng, em không biết nên bắt đầu từ đâu với những chia sẻ lo lắng rất chung chung, cái này quận vào thứ kia, nói chung là lo đủ thứ. Thông thường, khi đọc những tin nhắn kiểu này thì hiểu rằng bạn đang rơi vào trạng thái “nghĩ ngợi và lo lắng thái quá”. Đây có thể nói là một trạng thái bệnh tâm lý mà khi vướng vào, người ta cứ lòng vòng trong đó không tìm được lối ra, rồi vô hình chung bị nhấn chìm trong mớ năng lượng tiêu cực được nuôi lớn bằng sự loay hoay của chính bản thân mình. Thường thì khi các bạn rơi vào trạng thái này, tôi hay chia sẻ những cách sau để giúp các bạn thoát ra, quay trở về hiện tại, và biết cách tự chữa bệnh cho bản thân.

Stop lo lắng chung chung​


Hầu hết những thứ làm cho người ta cạn kiệt là suy nghĩ lung tung, chung chung, tán loạn và lo lắng không vì thứ gì cụ thể cả. Bạn nghĩ về quá khứ, lo lắng tương lai, nghĩ không biết chuyện gì sẽ xảy ra ngày mai, đời mình sẽ đi về đâu, tình yêu mình sẽ thế nào, sự nghiệp rồi ra sao, nghề này rồi có biến mất, vv. Càng nghĩ, càng đâm đầu vào ngõ cụt vì không tìm được câu trả lời, xong lại càng sợ hãi và thêu dệt ra những tình huống xấu, tự hù mình, xong tự làm cho mọi thứ rối bời và tiêu cực thêm lên. Đó là đường dẫn thường gặp nhất đối với các bạn hay nghĩ ngợi lung tung. Cho nên, muốn thoát ra khỏi cái huông này thì phải stop nó lại ngay khi nhận ra mình đang nghĩ lung tung, rồi thực hiện những cách sau để thoát khỏi sự chung chung:

  • Lấy giấy bút ra, ghi xuống cụ thể câu trả lời cho câu hỏi, những điều cụ thể làm mình lo lắng là gì? Đang lo mất job? Đang lo không đủ tiền cho chi phí bản thân và gia đình? Đang lo ngành mình làm sẽ bị lạc hậu? Đang lo không được lên chức dù đã làm việc một thời gian dài tại một công ty? Đang lo vì không nhìn thấy lộ trình phát triển sự nghiệp của bản thân? Ví dụ như vậy để bạn theo đó mà ghi rõ ra cụ thể 1 vấn đề khiến bạn lo lắng, càng cụ thể càng tốt, và có bao nhiêu vấn đề khiến bạn lo lắng thì cứ ghi ra hết, xếp hàng theo số thứ tự trước sau. Có người ngồi ghi ra sẽ có 1, 2 vấn đề. Có người có thể có tới 10-15 vấn đề. Không sao cả, cứ ghi ra hết, và không suy nghĩ gì về các vấn đề. Chỉ cần ghi ra, cụ thể, chi tiết, rõ ràng, vậy thôi.
  • Sau khi ghi ra xong thì đọc lại, rồi xếp thứ tự coi đứa nào làm mình lo lắng nhất, lo lắng nhì, lo lắng 3, vv. Cứ xếp hàng các vấn đề theo mức độ nó ảnh hưởng tới bạn, xếp xong có thể gạch bỏ rồi xếp lại, cho đến khi nào bạn thấy OK thì thôi, không cần phải lo lắng xem xếp vậy đúng không. Ở đây không có đúng sai gì hết, chỉ có làm rõ những thứ khiến mình lo lắng mà thôi.
  • Rồi bây giờ lấy vấn đề đang xếp thứ tự số 1 ra giải quyết nè. Khi vấn đề nó cụ thể thì mình mới có thể suy nghĩ cụ thể nên giải quyết nó thế nào. Bất kỳ vấn đề nào cũng có cách giải quyết phù hợp với tình hình thức tế của mình hết, không cần suy nghĩ lung tung.

Break the pattern - Gỡ cái huông​


Đối với người hay suy nghĩ lung tung, không kiềm chế được, thì cách tốt nhất là tạo nhắc nhở bằng âm thanh để mình tỉnh lại, không bị carried away - dắt đi hoang không biết đường về. Cho nên, bạn có thể tạo nhắc nhở trên điện thoại chẳng hạn mỗi 30p, 1 tiếng hay 2-3 tiếng gì đó để nó la làng lên, mang bạn trở về thực tại, biết là mình đang bị chìm vào luồng suy nghĩ mơ hồ chẳng giúp gì được cho ai. Khi được nhắc nhở, quan trọng là bạn phải thay đổi cái huông ngay lập tức bằng một hành động gì đó khác, ví dụ như đi dạo, đi pha cà phê, thiền nhanh 5p, làm một việc gì đó cụ thể cần làm để phá tan cái luồng tán loạn, định thần lại và quay trở lại với thực tại.

Cho bản thân thời gian qui định để suy nghĩ tự do​


Thật ra, chuyện não người nó đi hoang, nghĩ lung tung là chuyện hết sức bình thường. Tuy nhiên, nó có 2 chế độ khác nhau. Chế độ day-dreaming là chế độ mơ màng, tưởng tượng, sáng tạo vô bờ bến. Chế độ này tốt cho con người, vì nó giúp ta thả lỏng, suy nghĩ sâu, tưởng tượng ra nhiều ý tưởng hay ho, sáng tạo cho công việc mình đang làm. Thứ này AI nó làm không lại con người nè, nên trí tưởng tượng nó là một trong những phẩm chất quý giá nhất khiến cho con người khác con robot. Chế độ này hết sức hay ho nên mình cần ủng hộ, và dành thời gian riêng tư cho nó. Nghĩa là bạn cần vô lịch của mình 2 tiếng đồng hồ mỗi tuần, 1 mình lang thang đâu đó, tưởng tượng lung tung chẳng hạn, rồi thả lỏng cho tâm trí và cơ thể được đi hoang. Lỡ có bị lậm sang chế độ 2 - chế độ suy nghĩ lung tung 1 chút trong lúc này cũng không sao. Đừng ép nó quá, cho nó thời gian riêng nhưng giới hạn để đừng bị nó điều khiển mình là được. Con người mà, ai chẳng có lúc suy nghĩ lung tung.

Nhưng nhớ là, hết giờ là reng reng thôi lung tung liền nha, quay trở lại với thực tại và lo đi làm chuyện khác chứ không có ở trong đó hoài thì lạc luôn không biết đường về.

Thử 1 môn nâng cao khả năng tập trung​


Một trong những cách tôi rất thích là rèn luyện sự tập trung bằng những môn mình yêu thích. Cách này vừa giúp ta được tha hồ đi hoang trong một không thời gian hữu ích, vừa học nâng cao khả năng tập trung, vừa học được một môn mới. Dù sở thích của bạn là gì, thiền, yoga, vẽ, chơi nhạc, đọc sách, tập thể dục, vv, cứ chọn 1 môn, rồi dành thời gian thực hiện hoạt động đó mỗi tuần. Khi bạn dành thời gian tập trung cho 1 môn nào đó, bạn đang thật ra hết sức tập trung trong khoảng thời gian đó. Dần dần, tập trung trở thành thói quen, và bạn sẽ rèn được khả năng tập trung trong những khoảng thời gian khác mà bạn muốn. Cứ như vậy, bạn sẽ dần bớt bị đẩy vào trạng thái đi hoang không kiểm soát được.

Mỗi người sẽ có những cách khác nhau để trị bệnh nghĩ ngợi và lo lắng lung tung, tuỳ theo cách vận hành của mình. Cho nên, không có một mẫu số chung cho cách bạn sẽ có thể ứng dụng hiệu quả nhất cho bản thân mình. Bạn cần thử nghiệm, rồi tự mình tìm ra cách tốt nhất cho bản thân, như vậy thì nó sẽ bền hơn. Đừng chỉ canh theo cách người khác mà ép bản thân mình. Thứ gì đã ép rồi thì sẽ không hiệu quả. Rồi, thử đi và chúc bạn tìm ra cách chữa bệnh hiệu quả cho chính mình bạn nhé.

Nguyễn Phi Vân
 

Bình luận bằng Facebook

Top