TRỊ VÌ BẰNG NỖI SỢ HÃI - RULE BY FEAR

file.png


Tết gặp đứa em từ xa về, chuyện xa chuyện gần rồi cũng tới chuyện riêng. Bạn đổi việc cũng gần 1 năm, từ tập đoàn này sang tập đoàn khác, và chẳng may gặp phải một người sếp sử dụng vũ khí là fear - nỗi sợ hãi để trị vì. Người lãnh đạo kiểu này, họ liên tục tấn công và thao túng tâm lý, xúc phạm cấp dưới, luôn làm cho người khác cảm thấy họ đần, không đủ giỏi, không làm tốt, hoàn toàn không xứng đáng với vị trị họ đang nắm giữ, không biết bản thân đang làm gì, vv. Bằng cách này, ý định của họ là làm cho bạn luôn cảm thấy không an toàn và vì vậy không thể không cố gắng hơn nữa, hơn nữa, bất chấp mọi giới hạn trong cuộc sống. Thật ra, ý định đẩy ai đó vượt qua giới hạn không xấu, nhưng cách thao túng tâm lý kiểu đẩy người ta vào con đường hốt hoảng, sợ hãi, trở mặt với nhau, hành hạ tinh thần bản thân và người khác là một cách làm cực kỳ vô nhân tính. Rất không may, đây không phải là lần duy nhất tôi nghe về tình huống tương tự. Một người bạn thân người Úc của tôi vì rơi vào tình trạng tương tự mà cuối cùng phải nghỉ việc vì không thể chịu nổi nữa. Bản thân tôi đã từng chứng kiến live một quả sếp y chang như thế trong những năm còn đi làm thuê tại Sydney.

Anh bạn tôi kể lại, mỗi lần họp ban giám đốc là một sự kiện kinh khủng nhất trong lịch sử đi làm của anh. Bước vào cuộc họp, dù đã chuẩn bị dữ liệu số má ghê lắm nhưng chưa kịp mở miệng, chưa kip nói hết 1 slide là đã bị chửi bới lăng mạ các kiểu. Sếp trên lăng mạ cấp dưới, cấp dưới lăng mạ lẫn nhau. Phòng họp như cái chợ cá để người ta xả hết ngôn ngữ và thái độ đen đúa nhất ra. Ai cũng cắn răng chịu đựng mấy tiếng đồng hồ mỗi lần họp, và lần nào cũng thế. Anh bị sốc toàn tập khi tiếp xúc với văn hoá quản trị như vậy, chủ yếu là đến từ người sếp lớn nhất. Văn hoá là do sếp tạo ra thôi mà. Anh nói, người ta gồng mình lên, lăn ra chịu đựng vì sợ mất chức, mất việc, mất mớ lương cao, chứ ai đi làm mà chịu đựng nổi môi trường như vậy. Cuối cùng, chịu không nổi nữa, vì từ khi đi làm cho tập đoàn này anh vướng bệnh mất ngủ, lo âu, và rối loạn tiêu hoá. Sau một thời gian chịu đựng, anh nghỉ việc.

Trường hợp tôi trực tiếp chứng kiến ở Sydney thì thật dã man. Số là công ty M&A, và sếp mới, hay bên mua yêu cầu họp toàn bộ ban giám đốc. Buổi họp xếp bàn hình chữ U, tất cả đều đối mặt với nhau. Buổi họp vừa bắt đầu, tên sếp mới lôi ngay 1 anh giám đốc vùng ra xử thị uy, cũng đúng bài hạ thấp, lăng nhục, sỉ vả, xúc phạm bằng những lời lẽ khó nghe nhất. Hắn làm vậy, thật ra là để lăng mạ cả dàn lãnh đạo, đẩy họ vào tâm lý hoảng loạn, sợ hãi, đấu tố lẫn nhau, quay xe để sống còn. Ai lên tiếng bênh vực anh giám đốc vùng cũng bị quát phải câm mồm, và cứ thế hắn nhục mạ anh, cho đến khi người đàn ông cao to kia giận và uất ức tới mức phải chạy vào nhà vệ sinh để ói. Trong cuộc đời đi làm, tôi chưa thấy cách tiếp cận nào dã man đến thế. Là quan sát viên của ông chủ tịch, tôi rời cuộc họp và nhắn ông, nếu muốn đuổi thì bên mua chỉ cần gọi họ lên và tìm ra 1001 cách để cho họ nghỉ việc, không nên chơi trò dã man, vô nhân đạo như thế với con người. Sau đó cà phê với anh giám đốc vùng, nghe anh kể lại chuyện bản thân đã nôn thốc nôn tháo trong phòng vệ sinh như thế nào vì quá uất ức trước trò mạt sát dã man. Đây là lần đầu tiên gặp chuyện như vậy trong đời, anh đã hoàn toàn bất lực, không có chút chuẩn bị nào cho một tình huống khủng khiếp đến không tưởng tượng nổi.

3 câu chuyện, 3 ngữ cảnh và quốc gia khác nhau, nhưng cách hành xử chỉ là 1, rule by fear - trị vì bằng nỗi sợ hãi. Văn hoá khốc liệt đó tưởng như chuyện thần thoại vậy mà đến giờ nó vẫn còn tồn tại. Sợ thật! Và đứa em ngồi trước mặt mình lại đang phải cố gắng tồn tại trong môi trường như thế. Em nói, họ làm mọi thứ trở nên hỗn loạn, nhất là tâm lý của mình, khiến mình không còn biết bản thân là ai, luôn nghi ngờ chính mình, luôn trong tâm trạng sợ hãi là mình làm chưa đủ, chưa tới, chưa đạt yêu cầu và đang là mắc xích yếu nhất của tổ chức. Môi trường cực kỳ toxic. Và khi ta không đủ sáng suốt, không đủ bình tĩnh để nhìn cho thật rõ, để cho mình xà quần trong đó một hồi thì bản thân cũng trở thành phiên bản toxic để sống còn với cái vũng lầy toxic đó. Is it worth it? Có đáng không? Câu hỏi này chỉ có người trong cuộc mới có thể tìm được câu trả lời cho chính bản thân mình. Nếu bạn nghĩ mình cần chịu đựng nó vì tiền bạc, địa vị, vì sợ mất job, hay vì bất kỳ điều gì khác thì bạn rơi vào mode hy sinh, trả giá và đánh đổi. Đó là lựa chọn của bạn. Còn nếu sức khoẻ tinh thần quan trọng hơn, làm người và hạnh phúc quan trọng hơn thì có lẽ lựa chọn đã khác. Có lẽ, cũng có người thích môi trường như thế, vì nó hợp với cách sống toxic của họ. Who knows? Ai mà biết được? Nếu môi trường như thế còn tồn tại, thì đương nhiên nó phải có follower, có người chấp nhận, có người chịu đựng chứ.

Câu hỏi là, bạn chấp nhận và đánh đổi dignity - nhân phẩm, lòng tự trọng của một con người với giá nào. Họ, người thao túng, sẽ ra giá, và sẽ tăng giá theo khả năng chịu đựng của bạn. Còn bạn, sẽ tự mình trả giá với bản thân rằng, level xúc phạm kia để đổi lấy lợi ích này là fair - công bằng hay không. Ngày nào bạn còn cảm thấy công bằng, nghĩa là bạn mua bán lòng tự trọng để đánh đổi lợi ích cá nhân, và thấy OK với chuyện mua bán đó, thì ngày đó bạn sẽ vẫn chọn bám trụ. Ngày nào bạn thấy nó hết fair, nghĩa là xúc phạm vậy hơi quá so với cái thứ tôi nhận lại được, thì bạn đi tìm cái chợ khác, cơ hội mua bán khác. Ngày nào bạn cảm thấy mình còn có thể thay đổi môi trường này, con người toxic kia, vì thật ra họ mới chính là nguyên nhân chính gây ra sự hỗn loạn, thì bạn còn ở đó và đấu tranh cho một văn hoá khác. Ai thắng ai thua thì chẳng ai lường trước được. Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời.

Thật ra thì, những con người có lối lãnh đạo rule by fear như thế họ đều có vấn đề về tâm lý. Đâu đó trong quá khứ, họ đã từng bị ngược đãi, nên vô thức lặp lại quá khứ ấy, chỉ là thay đổi vai diễn của mình thành kẻ hành hạ người khác. Có khi, họ cũng là nạn nhân của sự tự ti, sợ hãi chính sự thấp kém của mình, nên xù lông lên trở thành kẻ gây hại. Cũng có người vì những biến cố nào đó trong đời đã trở thành kẻ vô cảm, nên không còn chút nhân tính trong hành vi. Dù là gì, họ thật đáng thương, vì biểu hiện bề mặt của họ chỉ là sự trình diễn rất rõ ràng về nỗi đau của chính họ. Khi nhìn sâu vào căn nguyên, ta có thể nhận ra như vậy, nhưng chấp nhận hay không thì lại là lựa chọn của ta. Không phải ai cũng đủ vững vàng để xử lý hay chấp nhận được những con người như thế. Và khi những con người như vậy, hay môi trường liên quan ảnh hưởng đến giá trị và mục đích sống của mình, có khi mình nên nghĩ lại. Cuối cùng, chúng ta sinh ra và sống để làm gì? Để chịu đựng sự nhục mạ sao? Để rối loạn tinh thần vì miếng ăn manh áo hay sao? Để đánh đổi quyền con người lấy tiền bạc, vật chất, địa vị và quyền lực ảo hay sao? Tôi không biết, vì đây là cách sống và lựa chọn của mỗi người.

Và thật ra không ai khuyên được ai phải làm gì, vì quyết định này liên quan đến chiếc la bàn giá trị sống của mỗi người, hoàn cảnh và sức chịu đựng của mỗi người. Có người chạy vào nhà vệ sinh ói vì uất ức, cũng có người lặng im, cười nhạt rồi bước qua. Dù là gì, miễn bạn OK với nó là được. Còn nếu bạn đang rơi vào sự cùng cực, vật vã, rối loạn, trầm cảm, vv thì có khi nên suy nghĩ lại. Công việc thôi mà, có cần phải đánh đổi tất cả niềm vui và hạnh phúc trong đời cho nó hay không?

Nguyễn Phi Vân
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top