Nguyễn Phi Vân
Chuyên gia
Bạn viết cho tôi một bức thư dài lắm, kể hoàn cảnh mình đang nghỉ sinh, nhưng tâm trạng vô cùng. Làm việc trong môi trường công ty trẻ chủ yếu là 8&9x, sếp là nam, nên khi nghỉ thai sản, sếp hỏi những câu nhạy cảm kiểu, “nghỉ sinh hay nghỉ luôn?”. Rồi công ty tuyển người mới, thay đổi các qui trình bạn xây dựng trước đây, gỡ quyền quản trị online, và sếp thì chưa một lần trực tiếp hỏi thăm. Bạn bức xúc lắm, không biết ý sếp muốn gì, không biết mình có đang bị thay thế không, không biết nên hành xử ra sao vì bạn vẫn còn muốn quay lại làm việc ở đây. Em phải làm sao cô ơi?
Thật ra, có quá nhiều dữ liệu không rõ ràng trong tình huống bạn chia sẻ, cộng với sự nhạy cảm về cảm xúc của phụ nữ sau sinh. Do đó, khó có thể cho bạn một lời khuyên cụ thể. Tuy nhiên, tôi muốn chia sẻ ở đây cách tư duy để giúp bạn tự tìm thấy cho bản thân câu trả lời khách quan nhất.
1. Sử dụng tư duy logic khi đưa ra lựa chọn và quyết định: Để có thể phân tích và đưa ra chính kiến, bạn cần dữ liệu đầu vào đầy đủ, chính xác và là facts - thông tin có thật, không suy đoán, giả định, nghe từ người khác một cách không chính thống. Facts nghĩa là mình không bỏ cảm xúc vào trong đó, chỉ tập trung vào thông tin có thật, không để cho cảm xúc dẫn dắt và thêu dệt. Não người vận hành một cách auto bị kiểm soát bởi cảm xúc, dữ liệu và trải nghiệm quá khứ. Do đó, nếu không giữ cho mình tỉnh táo, bản thân sẽ dễ bị cuốn vào mớ hỗn độn tiêu cực có thể hoàn toàn sai lệch theo giả định lung tung của cảm xúc. Đặc biệt, trong tình trạng cảm xúc đang nhạy cảm sau sinh, bạn sẽ càng dễ bị mất tự chủ và thiếu khách quan trong nhận thức. Do đó, cách tốt nhất là đối thoại trực tiếp với sếp để hiểu đúng và chính xác ý sếp muốn sao đã. Thu thập thông tin đúng rồi mình mới phân tích được. Cứ thẳng thắn là tốt nhất. Ba chuyện nghe ngóng hay suy diễn lòng vòng nó hại lắm, tạo ra nhiều hiều lầm không đáng có.
2. Nếu ý sếp là cho nghỉ luôn vì công ty trẻ, không có văn hoá chăm lo lợi ích nhân viên: Nhiều công ty, đặc biệt là startup, hay sếp quá trẻ ít quan tâm sẽ không quan trọng việc chăm lo và giữ gìn nhân sự. Ở những công ty này, tốc độ tăng trưởng và chuyển động quá nhanh chẳng hạn, việc trống một vị trí quản lý quan trọng nghĩa là phải slow down - chậm lại hay hơi rối, và đây là điều gây khó khăn cho tổ chức. Vì vậy, không loại trừ trường hợp sếp thực sự muốn trám người thay thế vào ngay chứ không có ý giữ bạn. Nếu sau khi trao đổi với sếp mà hiểu đúng đây chính là điều sếp muốn thì có lẽ bạn nên trao đổi luôn phương án exit. Khi người ta đã không muốn giữ mình, vì bất kỳ lý do gì, đặc biệt khi người ta không cảm thấy mình là tài sản quan trọng cần được giữ gìn, ở lại cũng không có ý nghĩa gì, chỉ làm bạn thêm stress và tự ti hơn mà thôi. Đi làm là sự cộng tác 2 chiều, đôi bên cùng có lợi. Nếu nó trở thành quan hệ người cho kẻ nhận, phụ thuộc vì sợ mất, trừ phi bạn bất tài không tìm nổi việc làm ở nơi nào khác, không ai chấp nhận bị coi thường và sự hô hoán tuỳ tiện của bất kỳ ông sếp nào. Sếp là lãnh đạo tốt thì mình theo, không thì mình dẹp thôi chớ có gì ghê gớm lắm đâu.
3. Nếu sếp thật ra đang gặp khó khăn vì công việc bị ách tắc, hãy nghĩ cách sắp xếp, giúp đỡ thêm trong thời gian nghỉ để việc nghỉ của mình không ảnh hưởng tiêu cực cho công ty. Nói gì nói, một công ty, tổ chức đang phát triển nhanh thì không thể và không nên dừng lại vì bất cứ cá nhân nào. Do đó, bạn cần chủ động bàn bạc và sắp xếp tốt nhất cho công ty và sếp trước khi nghỉ. Sự thấu cảm và cộng tác chủ động từ cả hai phía là điều cực kỳ cần thiết để giữ mọi việc tích cực cho cả đôi bên.
Vậy thôi, mình cứ bình tĩnh, khách quan, tỉnh táo mà giải quyết vấn đề trong bất kỳ tình huống nào. Mọi việc sẽ đơn giản hơn rất nhiều khi ta nhìn mọi việc ở thể thứ 3.
Nguyễn Phi Vân