Cụ ông 83 tuổi hoàn thành hải trình vượt Thái Bình Dương

VnExpress

Thành viên mới
Nhà thám hiểm đại dương Kenichi Horie đến eo biển Kii ngoài khơi phía tây Nhật Bản rạng sáng nay, kết thúc hành trình 8.500 km kéo dài hơn hai tháng, bắt đầu từ San Francisco, Mỹ hôm 27/3. Trong chuyến đi này, ông sử dụng thuyền buồm Suntory Mermaid III dài 5,8 mét, nặng khoảng một tấn.

"Tôi rất vui vì đã có thể trở về nhà mà không gặp vấn đề gì lớn", ông nói qua điện thoại. "Tôi biết ơn vì sự hỗ trợ từ tất cả các bạn".

Thuyền buồm Suntory Mermaid III sử dụng các tấm pin mặt trời để cung cấp điện trên tàu, còn ông Horie dùng điện thoại vệ tinh để trao đổi với nhân viên cũng như những người khác trên đất liền.

cu-ong-cheo-thuyen-1654316911-4484-1654317072.jpg


Ông Kenichi Horie giơ mũ khi đứng trên thuyền buồm ngoài khơi mũi Muroto, tỉnh Kochi, Nhật Bản hôm 2/6. Ảnh: AFP.


Đây là thành tích vượt đại dương mới nhất của ông Horie. Năm 1962, ông điều khiển thuyền buồm từ Nhật Bản đến San Francisco ở tuổi 23, trở thành người đầu tiên trên thế giới đi thuyền một mình qua Thái Bình Dương.

Các trợ lý của ông Horie cho biết hải trình trở lại Nhật Bản lần này đưa ông trở thành người cao tuổi nhất thế giới một mình vượt qua đại dương lớn nhất và sâu nhất trên Trái Đất mà không dừng lại ở điểm nào.

"Tôi sắp vượt qua vạch đích", ông Horie viết trên blog hôm 3/6, sau cuộc chiến ba ngày với dòng hải lưu ngược chiều. "Tôi kiệt sức rồi".

Chuyến vượt Thái Bình Dương năm 1962 của Horie gây chú ý khi ông bắt đầu hành trình mà không có hộ chiếu hay tiền bạc. Sau khi đến San Francisco, Horie bị bắt, nhưng thị trưởng San Francisco khi đó là George Christopher quyết định trả tự do cho Horie và cấp thị thực nhằm vinh danh lòng dũng cảm của ông.

Trong 60 năm sau đó, Horie tiếp tục thực hiện nhiều chuyến vượt Thái Bình Dương, bằng nhiều loại phương tiện, trong đó có thuyền làm từ lon nhôm chạy bằng năng lượng mặt trời hay thuyền đạp chân. Năm 1999, ông từ bờ Tây nước Mỹ vượt biển trên một chiếc thuyền hai thân làm từ bom bia tới Nhật và quay ngược trở lại bằng con thuyền làm từ thùng rượu whisky ba năm sau.

"60 năm trước, tôi thường xuyên lo mình có thể bị bắt", ông viết trên blog hồi tháng 4. "Nhưng lần này thì khác, tôi được nhiều người tiễn đi và được họ hỗ trợ thông qua hệ thống theo dõi, điện đàm vô tuyến. Tôi rất biết ơn".

Huyền Lê (Theo AFP, Kyodo)
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top