Nguyễn Phi Vân
Chuyên gia
Trong thời gian làm việc ở Việt Nam, tôi nhận thấy có rất nhiều bạn trẻ nhiệt huyết, nhiệt tình, mong muốn tham gia, đóng góp càng nhiều càng tốt dù đó là việc công ty, cộng đồng hay xã hội. Nhiệt tình là một đức tính cực tốt. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhận lãnh trách nhiệm, công việc, dự án chỉ dựa trên sự nhiệt tình thì hoàn toàn không đủ. Ngược lại, nếu chỉ vì nhiệt tình mà nhận lãnh trách nhiệm quá nhanh, một cách thiếu suy nghĩ rồi không làm được việc, hoặc không có khả năng triển khai thì điều đó chỉ mang lại tác hại cho bản thân bạn mà thôi.
Mỗi công việc chúng ta nhận lãnh là một lời hứa, sự cam kết của bản thân đối với một người, một tổ chức, một cộng đồng. Do đó, nếu bạn không có khả năng thực hiện, không nhớ để thực hiện, hoặc không có ý định thực hiện thì bạn đang tự hủy hoại uy tín của bản thân. Có thể bạn vui quá nên hứa. Cũng có thể bạn nhiệt tình quá nên hứa. Hoặc có thể bạn nghĩ mình sẽ giúp được nên hứa. Dù là gì, một khi đã hứa mà không thực hiện, dù nguyên nhân khách quan hay chủ quan, bạn cũng đã chứng minh cho thế giới về sự thiếu cam kết của bản thân đối với lời hứa của chính mình.
Bên cạnh đó, nếu bạn nhận lãnh trách nhiệm và thật sự có triển khai, nhưng triển khai một cách hời hợt, thiếu đầu tư, thiếu cam kết xuất sắc để tạo ra kết quả thành công nhất, bạn đang chứng minh với thế giới rằng, bản thân là người không có khả năng. Dù bạn có khả năng thật sự hay không, không ai biết. Người ta chỉ có thể đánh giá qua chất lượng công việc bạn thực hiện, qua mức độ xuất sắc bạn hoàn thành, qua kết quả thực tế bạn tạo ra. Do đó, khi kết quả không đúng như mong đợi, đương nhiên ai cũng nghĩ rằng, bạn không có khả năng. Câu hỏi là, mình có cần miệng nhanh hơn não hay không để đưa ra những lời hứa, sự nhận lãnh, sự cam kết mà bản thân không có khả năng thực hiện?
Lời hứa của một con người thể hiện tính cam kết của người đó. Nếu bạn hứa một lần, hai lần, ba lần, rồi nhiều lần và không thực hiện, dù đó là việc ngoài ý muốn, bạn đang diễn trình với thế giới rằng bạn không phải là người đáng tin. Nếu bản thân mình không phải là người đáng tin, bạn nghĩ người khác có muốn hợp tác, cộng tác, đồng hành với mình hay không? Với tôi thì, quá tam ba bận. Nếu ai đó nhận lãnh công việc và trách nhiệm, hứa sẽ hoàn thành nhưng hoàn toàn vô tình hay cố ý không thực hiện, cứ ba lần như vậy thì tôi cho qua. Không bao giờ muốn trao cơ hội hay cộng tác với người đó nữa.
Có người nói, chuyện nhỏ mà, quên chút có sao đâu. Chuyện nhỏ còn làm không xong, hứa suông, nói cho qua, không để tâm chút nào thì chuyện lớn làm sao tin cậy được? Cho nên, đừng tưởng chuyện nhỏ, chuyện không mấy quan trọng, chuyện lỡ hứa rồi quên hoài không có gì ghê gớm. Trong cuộc đời một con người, không làm được chuyện nhỏ thì đừng mơ chuyện lớn. Trong bất kỳ quan hệ nào, nếu chuyện nhỏ mà còn không tin cậy được thì ai dám giao cho chuyện lớn? Cho nên, lần sau trước khi hứa hẹn bất cứ điều gì, bạn nên suy nghĩ thật kỹ, chắc chắn mình làm được rồi hãy hứa. Hứa xong, nên ghi vào lịch làm việc của mình để thực hiện, tránh tình trạng nói xong rồi quên, hứa suông, hứa cho sướng miệng rồi không thực hiện. Trước khi nhận lãnh một trách nhiệm hay công việc gì, bạn cũng có thể tự mình đặt ra câu hỏi cho bản thân, rồi dựa vào câu trả lời của mình để nhận lãnh trách nhiệm. Câu hỏi có thể như sau:
Mình có nguồn lực và khả năng để thực hiện việc này không?
Mình có thời gian để cam kết cho việc này không?
Mình có network quan hệ để có thể xúc tiến việc này không?
Mình có khả năng kiểm soát được kết quả của việc này không hay phải phụ thuộc vào sự cam kết của những người khác?
Khả năng thực thi thành công của bản thân đối với việc này là bao nhiêu phần trăm?
Sau khi tự hỏi và tự trả lời, nếu bạn cảm thấy mình có thể chủ động kiểm soát được, triển khai được công việc với nguồn lực và thời gian sẵn có thì hãy nhận. Nếu cảm thấy mình thiếu nguồn lực và thời gian, lại còn phải phụ thuộc vào sự cam kết của những người khác mà mình không chủ động kiểm soát được, có lẽ bạn nên xem lại. Đương nhiên, Nếu bạn cảm thấy mình không trả lời được câu hỏi nào trong những câu hỏi trên đây và mình thiếu đủ thứ, khả năng thực thi thành công rất thấp, bạn nên dũng cảm từ chối ngay lập tức. Đôi khi, biết từ chối, biết nói không cũng là một cách tốt để bảo vệ uy tín và thương hiệu cá nhân.
Đừng nhận nếu không thể làm, nguyên tắc cực kỳ đơn giản và dễ hiểu nhưng rất nhiều bạn trẻ vì thiếu suy nghĩ và cân nhắc mà ít khi giữ được nguyên tắc này. Đôi khi, chúng ta có thể nghĩ nó là chuyện nhỏ. Kỳ thực, những chuyện nhỏ này có thể làm ảnh hưởng đến uy tín và mức độ tin cậy của bản thân bạn, vì vậy cũng có thể gây khó khăn cho bạn trong việc tiếp cận những cơ hội lớn hơn. Rất mong các bạn trẻ ngoài kia sẽ phản tư về điều này và cẩn thận hơn trong lời hứa cũng như sự nhiệt tình nhận lãnh vai trò, trách nhiệm, công việc mà bạn bước qua mỗi ngày trong cả cuộc sống và công việc.
Nguyễn Phi Vân