Thanh Đoan
Thành viên mới
Review Tết Ở Làng Địa Ngục: series kinh dị cổ trang đầu tiên của Việt Nam đã nhận được những phản ứng tích cực và nhanh chóng chiếm giữ vị trí top 10 chương trình truyền hình thịnh hành nhất của Netflix tại Việt Nam. Với nội dụng mang đậm màu sắc bản địa, chất liệu kinh dị dân gian Việt Nam, kết hợp cùng cách kể chuyện theo kiểu “truyện lồng truyện” (frame story, tương tự như “Nghìn Lẻ Một Đêm“), nên các nút thắt mở được dẫn dắt rất hấp dẫn.
Nội dung của Tết Ở Làng Địa Ngục:
Bối cảnh Đông Bắc Bộ trong Tết Ở Làng Địa Ngục
Tết Ở Làng Địa Ngục được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Thảo Trang. Loạt phim bắt đầu với câu chuyện trung tâm về một người đàn ông tên Thập (Quang Tuấn), hiện đang là trưởng làng Địa Ngục và cũng là người duy nhất có thể xuống núi để giao thương với những bản làng khác. Đây cũng là lời nguyền mà toàn thể dân làng phải gánh chịu vì họ là hậu duệ của một băng cướp nổi tiếng tàn ác.
Tuy nhiên trong một chuyến đi buôn như thường lệ, Thập vô tình gặp một lão ăn mày kỳ lạ (NSƯT Phú Đôn) và kể từ đó những cơn ác mộng bắt đầu diễn ra. Không chỉ tâm trí của Thập luôn xuất hiện loạt cảnh báo về một tai họa lớn sẽ ập đến ngôi làng của anh, mà những cái chết tàn nhẫn, bí ẩn từ những người xung quanh cũng dần hé lộ mê cung “nghiệp báo” đầy ảm ảnh này.
Review Tết Ở Làng Địa Ngục:
Loạt phim kinh dị cổ trang đầu tiên của Việt Nam gây bất ngờ đối với người xem khi các yếu tố vốn chưa được các nhà làm phim khai thác tốt ở thể loại này, lại có màn kết hợp tương đối trọn vẹn trong Tết Ở Làng Địa Ngục. Từ nội dung, hình ảnh, diễn xuất… mặc dù không thật sự quá xuất sắc nhưng người xem có thể nhận thấy sự nghiêm túc trong quá trình sản xuất. Cộng thêm các yếu tố kinh dị dân gian mang hơi hướng Việt và cách kể chuyện tiếp nối, đã giúp cho Tết Ở Làng Địa Ngục có sự độc đáo của riêng mình.
Quang Tuấn trong Tết Ở Làng Địa Ngục
Điểm cộng của phim đó là dựa trên nội dụng của tiểu thuyết của nhà văn Thảo Trang. Từ nền tảng của một câu chuyện được xây dựng phong phú, với nhiều lớp lang, bộ đôi đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân đã phát triển hợp lý, cũng như giữ nguyên tinh thần của tác phẩm gốc. So với hai tác phẩm trước đó của bộ đôi là Rừng Thế Mạng, Chuyện Ma Gần Nhà thì Tết Ở Làng Địa Ngục đã có sự rõ ràng về mạch truyện hơn đối với người xem.
Bối cảnh hoang sơ của rừng núi Đông Bắc Bộ không chỉ gây ấn tượng về mặt thị giác, tăng cảm giác bí ẩn cổ xưa mà còn góp phần tạo nên bầu không khí lạnh lẽo, tăm tối trong những phân cảnh hù dọa. Phần bối cảnh thiên nhiên này cũng khiến loạt phim Tết Ở Làng Địa Ngục có cảm giác hấp dẫn và chân thật hơn.
Hơn nữa phần dựng cảnh, thiết kế trang phục, hóa trang của loạt phim cũng nhận được rất nhiều lời khen. Đặc biệt là trang phục của các nhân vật, có cố vấn của Phan Thanh Nam, người am hiểu khá rõ về cổ phục Việt Nam. Từ họa tiết, chất liệu, màu sắc đều bám sát với trang phục Việt Nam cuối thời Lê – đầu thời Nguyễn và của các dân tộc miền núi. Những nhân vật có thật sẽ mang cổ phục như áo tứ thân, ngũ thân, giao lĩnh… trong khi những nhân vật hư cấu sẽ được sáng tạo để gây ấn tượng liêu trai hơn.
Trang phục trong Tết Ở Làng Địa Ngục
Phong cách kinh dị đi cùng những hình ảnh gây kích thích mạnh đến thị giác trong Tết Ở Làng Địa Ngục vẫn là nét đặc trưng, là điểm mạnh của bộ đôi đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân. Mặc dù loạt phim đã có sự tiết chế hơn khi không quá lạm dụng vào những cảnh hù dọa jumpscare, máu me, bạo lực mạnh… và tập trung hơn vào yếu tố bí ẩn, ma mị, tâm lý của các nhân vật nhưng các phân cảnh kinh dị vẫn có cảm giác hơi “thô”, sự chuyển biến chưa đủ mức độ sợ hãi đối với những mọt phim kinh dị.
Tết Ở Làng Địa Ngục có sự tham gia của các diễn viên ở cả hai miền Nam Bắc như Quang Tuấn, Lan Phương, NSND Ngọc Thư, NSƯT Văn Báu, NS Viết Liên, NSƯT Chiều Xuân… Cùng với đó là rất nhiều những gương mặt mới như Nguyên Thảo (vai Thị Thập), Võ Tấn Phát (vai Tam Quỷ), Hải Nam (vai cậu Đức), Đình Khang (vai Đại kẻ điên), Huỳnh Như Đàn (vai Cô Mây)… Các nhân vật đem đến sự đa dạng và hầu hết các diễn viên đều thể hiện vai trò của mình một cách nghiêm túc, tròn vai.
Tết Ở Làng Địa Ngục do K+ORIGINAL phối hợp cùng ProductionQ sản xuất, bao gồm 12 tập và phát sóng vào 20:00 Thứ 2 – Thứ 3 hàng trên Netflix, K+CINE và app K+. Hơn nữa sau thành công từ loạt phim thì bộ phim điện ảnh có tên Kẻ Ăn Hồn của bộ đôi đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân, đã ấn định ngay ra rạp vào 08.12.2023. Bộ phim sẽ khai thác về nguồn gốc cổ thuật ở làng Địa Ngục và là câu chuyện khác biệt hoàn toàn với series Tết Ở Làng Địa Ngục.
Khởi nguồn của bi kịch | Tết ở làng Địa Ngục | Netflix