Sống với khác biệt

MINH ĐỨC

Thành viên mới
Sự việc xuất phát từ cuộc vây bắt của cảnh sát Mỹ tại quán rượu Stonewall, Greenwich, New York ngày 28/6/1969. Nơi này, người da màu và những người đồng tính thường xuyên lui tới, tụ tập. Cuộc vây bắt trở thành mầm mống cho tấn công, bạo loạn và biểu tình khắp thành phố sau đó.

Sự kiện như một mồi lửa thổi bùng lên cơn giận dữ của cộng đồng người đồng tính, đồng thời gắn kết họ lại với nhau, mở đầu cho tinh thần đấu tranh chống kỳ thị sẽ kéo dài suốt nhiều thập kỷ tiếp theo.

Từ đó, tháng 6 hàng năm được người đồng tính gọi là Tháng Tự hào, với các hoạt động như diễu hành trên đường phố, tổ chức festival, chiếu phim...

Là người làm việc cho một tổ chức hoạt động vì quyền của người đồng tính, tôi luôn tự hỏi, cộng đồng LGTB có thực sự được tự hào trong tháng 6 dành cho họ?

Mỗi khi đối diện với câu hỏi này, tôi lại nhớ tới Tùng.

Tùng từng nhắn tin cho tôi hồi tôi còn làm báo, chuyên viết về những câu chuyện của cộng đồng LGBT. Cũng trong một buổi chiều tháng 6, tôi gặp Tùng vì muốn xem em có thể làm nhân vật cho bài viết của mình không.

"Chỗ này em từng cứa này, mà vừa đau, vừa sợ, dao lại cùn nên cứa được hai lần là em dừng, chẳng để lại gì ngoài vết sẹo mờ mờ này. Vậy là em cũng có chiến tích của một thời thả mình xuống đáy", Tùng kể cho tôi nghe về quá khứ.

Lúc bố Tùng phát hiện ra con trai mình có bạn trai khi đang học lớp 11, ông không to tiếng. Tùng mô tả, "ông nghiến hai hàm răng lại, rin rít qua khuôn miệng mở he hé và ánh mắt đầy thù hằn". Ông nói: "Nhà tao không có ngữ như mày".

Quãng thời gian sau đó, những suy nghĩ tiêu cực xuất hiện rất nhiều. Có những đêm khuya học bài, Tùng nhìn con dao rọc giấy, cầm lên lại đặt xuống, như cầm lên lại đặt xuống cuộc đời mình.

Nhưng Tùng vẫn cố sống, không phải bằng phép màu nào cả, mà bằng rất nhiều vật vã. Cậu đã cố gắng tìm hiểu bản thân, nói chuyện từng chút một với bố mẹ, dành dụm từng chút tiền tiêu vặt để gặp chuyên gia tâm lý. Tùng đã đi qua năm tháng như một chiếc tàu lượn cảm xúc để giờ đây thấy cuộc sống có nhiều ý nghĩa hơn.

Nhiều năm liền tiếp xúc với Tùng và những người thuộc cộng động của em, tôi nhận ra người đồng tính (và cả những người LGBT nói chung) không tự hào vì xu hướng tính dục, giới tính, biểu hiện giới... hay bất cứ thứ gì như vậy. Họ nỗ lực vượt qua được những khó khăn, thách thức đang đặt ra trước mắt mỗi ngày khi xung quanh vẫn đầy rẫy định kiến và rào cản. Bạn không nhận ra nhưng cuộc sống "bình thường" mà bạn - như một người dị tính đang sống, có đầy đủ những đặc quyền mà một người đồng tính không có: Được nhận bảo hiểm chính sách người thân, có quyền thừa kế hợp pháp, nắm tay hay hôn một người thoải mái trên phố, không lo bị đuổi việc vì xu hướng tính dục, không trở thành trò đùa vô cớ cho người khác...

Người đồng tính có xu hướng tự tử cao hơn. Theo một khảo sát của Tổ chức Phòng chống tự tử Mỹ năm 2018, 4,6 % dân số nước này từng có hành vi chấm dứt cuộc sống của mình. Con số này ở nhóm người đồng tính, song tính là gần 20% và với nhóm người chuyển giới là 41%.

Nếu cuộc đời bạn là một đường chạy 400m thì cuộc đời của những người đồng tính nói riêng và người LGBTQ nói chung là một đường chạy 400m vượt rào.

Tháng Tự hào tôi nghĩ không chỉ để cho những người LGBT tự hào, mà còn để họ hiểu hơn về thách thức cuộc sống đang đặt ra trước mặt họ mỗi ngày. Tháng sáu cũng còn để cho những người khác nhận ra mình có thật nhiều đặc quyền mà nếu chia sẻ cho khoảng 5% dân số thế giới, họ cũng không mất đi một ít nào cả.

Tôi từng xem video về một bà mẹ đứng trước cô con gái da màu đang mếu máo khóc vì nghĩ mình không đẹp. Bà liên tục nói với con rằng: "You are strong, you are loved, you are beautiful"... (Con là cô bé mạnh mẽ, được mọi người yêu quý, con rất xinh đẹp...).

Với tất cả những người LGBT ngoài kia, những người vẫn đang sống qua định kiến, kỳ thị, qua những luật ngầm chống lại họ, qua những lời mỉa mai, phân biệt đối xử được bọc đường... họ cũng cần được lắng nghe những lời như "bạn rất mạnh mẽ, bạn rất can đảm, bạn được mọi người yêu quý...".

Nhiều người trong cộng đồng LGBT muốn thay đổi diễn ngôn tự hào. Họ muốn một ngày nào đó, Pride Month sẽ là dịp để họ tự hào khi đã được cả xã hội chấp nhận, khi hôn nhân bình đẳng được thừa nhận.

Minh Đức
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top