'Vợ chồng kiểm tra tin nhắn của nhau là bạo lực gia đình'

VnExpress

Thành viên mới
Thảo luận tại tổ ở Quốc hội chiều 31/5 về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi, đại biểu Lê Minh Nam đề nghị ban soạn thảo bổ sung các hành vi bạo lực làm ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần các thành viên trong gia đình, từ đó kiểm soát và điều chỉnh những hành vi này.

Theo ông, bạo lực tinh thần có tác động lớn, âm ỉ, nguy hiểm, thậm chí gây tổn thương cả đời. Như bố mẹ thương con, song đôi khi so sánh con với bạn khác cũng khiến con thấy ức chế. Điều này xuất phát từ tình thương, mong muốn con tiến bộ hơn, nhưng có thể dẫn đến sự việc không tốt.

Đại biểu tỉnh Hậu Giang cũng cho rằng, luật này liên quan rất nhiều đến quyền con người nên ban soạn thảo cần rà soát, để tuân thủ Hiến pháp, đảm bảo tính khả thi và đồng bộ với Luật Trẻ em, Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật Dân sự...

dsc-2264-po-1-2174-1653991856.jpg


Đại biểu Lê Minh Nam. Ảnh: Media Quốc hội


Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung viện dẫn hàng loạt hành vi bạo lực tinh thần khó nhận biết, gây khủng hoảng tâm lý, tinh thần, ví dụ chồng đi làm về nhưng im lặng không nói gì, hoặc suốt ngày khen hàng xóm xinh đẹp, chu đáo; "giận cá chém thớt", giận dỗi vô cớ...

"Những hành vi này diễn ra phổ biến, trong khi văn hóa người Việt không muốn vạch áo cho người xem lưng. Vì vậy, luật cần có các giải pháp chia sẻ, tư vấn, giải tỏa tâm lý hiệu quả cho người bị bạo lực", bà Dung nói.

Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng cho rằng nhận diện các hình thức bạo lực thể xác, bạo lực kinh tế khá dễ, song bạo lực tinh thần không hề đơn giản. Khi báo cáo dự án luật trước cơ quan thẩm tra là Ủy ban Xã hội, có thành viên Ủy ban cũng nêu thực trạng hiện nay nhiều ông chồng đang chịu sức ép từ các bà vợ, đòi hỏi phải làm ra thật nhiều tiền, phải lên chức... "Như vậy có phải hình thức bạo lực không?", ông đặt vấn đề.

Trong khi đó, đại biểu Lê Xuân Thân (Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Khánh Hòa) thì đề nghị quy định rõ thế nào là bạo lực gia đình? Bạo lực ở các nước phương Tây khác ở Việt Nam nên phải ghi giới hạn cụ thể. "Luật này không phải chỉ dành cho phụ nữ, vì thời kỳ hội nhập nhiều đàn ông cũng bị trấn áp nên luật phải là luật chung", ông góp ý.

PhamKhanhPhongLan-9088-1599798-5616-6491-1653995721.jpg


Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM). Ảnh: HK


Bàn về giải pháp phòng chống, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM) cho rằng cần quản lý những hình ảnh cổ súy bạo lực gia đình trên phim, ảnh, sách. Nhiều bộ phim hiện nay có cảnh chồng tát vợ, đánh ghen, tạt axit... "Những bộ phim này đang bình thường hóa bạo lực gia đình. Trẻ và thanh thiếu niên xem rất dễ bị tiêm nhiễm", bà Lan nói.

Ông Trần Công Phàn (nguyên Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) cho rằng sự can thiệp của Nhà nước phải quy định theo hướng để cho gia đình tốt hơn chứ không phải để tan vỡ. Nếu như xảy ra bạo lực gia đình là cấm tiếp xúc, không cần có ý kiến của người bị bạo lực mà xử lý hành chính hoặc bắt đi tù luôn... thì "chỉ làm khổ thêm, làm khó thêm gia đình nạn nhân".

"Xử lý hành chính thì ảnh hưởng đến túi tiền, còn đi tù thì lấy ai lao động để nuôi sống gia đình?", ông nói, đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét yếu tố truyền thống của các gia đình Việt Nam. Xử phạt hành chính hay cho đi tù "chỉ phù hợp với nước ngoài, còn Việt Nam phải xử lý theo từng bước, từ hòa giải đến hàn gắn, mới đến xử lý cao hơn".

Theo dự luật Phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi, các hành vi được xem là bạo lực gia đình gồm hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc cố ý xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; lăng mạ hoặc cố ý xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý, gây tổn hại về thể chất, tinh thần; bỏ mặc, không chăm sóc người cao tuổi, phụ nữ có thai hoặc nuôi con nhỏ, người khuyết tật, bị bệnh.

Ngoài ra còn có hành vi không giáo dục trẻ; phân biệt giới tính thành viên gia đình khi phân chia tài sản thừa kế; miệt thị hình thể, giới tính; ngăn cản thành viên gia đình tham gia hoạt động xã hội; phát tán thông tin, hình ảnh riêng tư khi chưa được đồng ý; cưỡng ép quan hệ tình dục; cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc nội dung, trình diễn khiêu dâm, kích thích bạo lực...

Giữa tháng 4, tại phiên họp Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị ép lựa chọn giới tính thai nhi xâm phạm đến sức khỏe, tinh thần phụ nữ, cần được quy định là hành vi bạo lực gia đình. Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề nghị đưa nội dung cha mẹ không thực hiện trách nhiệm dạy con, hoặc sử dụng các biện pháp thái quá trong dạy con cái là hành vi bạo lực gia đình. Trong dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, hai hành vi này đã được bổ sung.

Dự án luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) được trình xin ý kiến Quốc hội lần đầu; thảo luận ở hội trường ngày 14/6.

Hoàng Thùy - Viết Tuân
 

Bình luận bằng Facebook

Top