Nguyễn Phi Vân
Chuyên gia
Em viết cho tôi những dòng tin nhắn đầy trăn trở dưới đây qua LinkedIn. Ở tuổi 28 và chỉ mới ra trường, chưa có chút kinh nghiệm thực tế nào, kể ra cũng hơi trễ về cách tiếp cận phát triển bản thân của thế kỷ 21, thế kỷ của kinh tế sáng tạo.
————-
Con hiện nay con đang là sinh viên ở Mỹ. Con sẽ hoàn thành bằng BA của mình năm 2022.
Trong giai đoạn con chuẩn bị hoàn thành việc học và bắt đầu tìm cách thực hiện các ước mơ của mình mà không có chút kinh nghiệm nào. Trong lúc con cảm thấy lạc đường và lo lắng thì con bắt đầu nghe được những bài nói của cô.
Con hi vọng có cơ hội nói chuyện thêm với cô để có một người mentor gợi ý cho con con đường con nên đi. Con đã đi sai quãng đường mấy năm qua của mình. Con dùng toàn bộ năng lượng của mình cho việc học mà không tìm kiếm kinh nghiệm thực tế và mở rộng các mối quan hệ xã hội. Giờ con mới nhận ra và muốn bắt đầu lại, con hi vọng không quá muộn ở tuổi 28, nhưng con không biết bắt đầu như thế nào
Con rất quan tâm tới công nghệ, đặt biệt là metaverse và AI, con đang tìm cách học nó cho công việc của mình. Những bước bắt đầu tìm hiểu thực sự cô độc và hoang mang.
Con hi vọng nhận được hồi âm của cô. Con chút cô có một ngày thật đáng yêu
———————-
Em ạ,
Thôi thì mình đã lỡ chăm chăm vào việc học lý thuyết trong trường, thiếu hẳn 50% ứng dụng bằng cách học qua thực tế, học qua dự án và làm việc. Giờ ngồi tiếc cũng không có ích lợi gì. Chi bằng mình bắt đầu thiết kế lại hành trình tiếp theo, chủ động dấn thân vào công việc, tham gia thêm vào các dự án bên ngoài, các hoạt động ngành nghề, xã hội, cộng đồng liên quan đến nghề nghiệp của mình. Như vậy, em sẽ vừa làm việc, vừa học hỏi và phát triển bản thân qua công việc, vừa xây dựng được những quan hệ ngành nghề và xã hội. Đây là điều hết sức quan trọng trong thời gian này nhằm giúp em hội nhập nhanh và thuận lợi về công việc.
Sau khi đã dành đủ thời gian hội nhập vào thế giới việc làm thực tế và hiểu rõ hơn về ngành từ góc độ ứng dụng, em có thể bắt đầu hành trình học tập tiếp theo, học kỹ năng mềm chưa có, học về ứng dụng công nghệ mới cụ thể cho ngành nghề, học về leadership - nghệ thuật lãnh đạo, vv để chuẩn bị tốt hơn cho giai đoạn scaleup - tăng tốc nghề nghiệp tiếp theo.
Biết mình hơi muộn là tốt, vì đó sẽ là động lực để giúp em tăng tốc hơn, quyết liệt hơn, chủ động và dũng cảm hơn để bù đắp cho thời gian đã mất.
Và đây, có lẽ là câu chuyện không của riêng ai, vì rất nhiều người trong chúng ta vẫn còn quen với cách học truyền thống, tập trung học đại học, ra trường rồi mới nghĩ đến việc làm. Có điều, thế giới và mọi ngành nghề thay đổi quá nhanh, vừa học xong đã lạc hậu. Do đó, học là cần thiết, nhưng phải học từ thực tế, học trong khi làm, học qua thử nghiệm. Học, vì vậy là học cả đời, theo nhu cầu từng giai đoạn chứ không một đường thẳng như ngày xưa nữa.
Hy vọng là, qua tâm sự của bạn trẻ này, và qua những gợi ý cho bạn trên đây, sẽ có một con đường hiện ra rõ ràng hơn cho tất cả những ai còn đang chông chênh trên hành trình sự nghiệp.
Nguyễn Phi Vân