Nguyễn Phi Vân
Chuyên gia
Thói thường, ai đi làm cũng muốn có sếp dễ, sao cũng được, không được cũng cho qua, có la cũng mắng nhẹ mắng yêu vài câu rồi thôi. Có sếp vậy thì sướng quá rồi, vì cuối cùng chẳng phải áp lực gì. Công việc tới hay không tới, xong hay không xong, có hay không có kết quả thì cũng ok thôi, sếp dễ mà. Có điều, người dễ là người không đặt tiêu chuẩn cao, không quá quan trọng kết quả, không push nhân viên phá vỡ giới hạn, thay vào đó vẽ ra cho họ một chiếc vòng an toàn, thoải mái và xinh đẹp.
Ngược lại, sếp khó đòi hỏi cao, đòi hỏi nhiều, không chấp nhận sự qua loa, xuề xòa, không chấp nhận làm mà không tạo ra tác động hay kết quả. Gặp ai thiếu hoặc vô trách nhiệm, im im, làm cho qua, cho xong thì họ nổi cơn ngay, đơn giản chỉ vì không chịu được sự yếu kém, thiếu tiêu chuẩn, thiếu quyết tâm, thiếu cam kết, vv. Thường thì, xem báo cáo kết quả xong họ sẽ trả lại, yêu cầu làm lại, yêu cầu chỉnh sửa, và luôn rất chi tiết trong cách phản hồi. Ở đây, chúng ta đang nói về sếp vì giỏi nên khó, vì yêu cầu cao nên không thoả hiệp, vì luôn hướng tới sự xuất sắc nên không chấp nhận sự xềnh xoàng, sao cũng tạm được, cho qua.
Người trẻ, đặc biệt là những bạn mới ra trường, nên chọn sếp khó mà làm, vì đó là cách tốt nhất để bạn học, thực tập, và rèn luyện mỗi ngày, từ công việc thực tế. Thời này, chỉ có học từ dự án, học từ tình huống, hiện thực thì mới giúp cho người ta trở nên thực tế và liên quan thôi. Và môi trường học đó chẳng ở đâu xa, chính là ở ngay trong môi trường làm việc hàng ngày. May mắn, thì có thêm ông sếp, bà sếp khó. Khó, không có nghĩa là người ta rảnh quá đi làm khó bạn. Ai cũng bận hết, và chẳng ai có thời gian rỗi hơi đâu mà bỏ ra hàng giờ để ngồi đó chỉ ra chỗ cần chỉnh, hướng dẫn chuyện cần làm, sửa cho bạn từng chi tiết nhỏ.
Chỉ có người quan tâm, mong muốn điều tốt nhất cho bạn mới dành thời gian lẽ ra để làm chuyện khác đó cho bạn. Thời gian, đối với người giỏi và xuất sắc, là tài sản quý giá nhất, và họ sẽ không bao giờ chịu lãng phí thời gian vì những thứ không đáng. Cho nên, khi thấy người ta dành thời gian cho mình, thì bạn nên hiểu rằng bạn đang được người ta thương yêu và quan tâm lắm. Không quan tâm, sẽ chẳng thèm đếm xỉa nói chi là gọi vào chỉ từng chút một. Cho nên, thay vì tỏ ra khó chịu và uất ức chuyện bị sếp la, bạn nên biết ơn cuộc đời vì đã gởi một người sếp khó qua đời mình, để giúp mình nhận ra, hiểu ra, và rèn luyện kỹ năng và tâm thế tốt.
Giờ vầy đi, khi bạn cảm thấy cảm xúc bung bét vì bị sếp la mắng, nổi cơn, thì đừng làm gì hết. Im lặng lắng nghe xong rồi tìm một góc yên ắng, một mình, tự hỏi và tục trả lời cho bản thân những câu hỏi sau đây.
- Nếu vén tấm màn cảm xúc qua một bên, nếu chỉ khách quan nhìn vào facts - thông tin thật, thì chuyện sếp nói có đúng không? Giờ mình quan sát chuyện có lý hay không trước, còn layer - lớp màn cảm xúc lát mình bỏ vô sau. Tách ra xdeal với từng cái một nó dễ hơn. Chớ mình gom một nùi vô 1 chỗ thì hông biết làm sao mà gỡ. Rồi, len lén vén màn và trả lời đi. Chỉ là trả lời với bản thân thôi, không có quê hay mất mặt với ai đâu mà sợ, cho nên cứ thành thật với bản thân mình.
- OK, nếu sếp nói hông có lý, thì nó với lý ở chỗ nào? Tại sao bạn nghĩ là nó không có lý? Nếu sử dụng tư duy phản biện để thu thập thông tin dữ liệu, phân tích và thành lập lý lẽ để phản biện sếp thì mình sẽ làm sao, nói thế nào, phát biểu chính kiến và chứng minh luận cứ của mình ra sao? Muốn nói ai đó sai hay vô lý thì bản thân phải có khả năng phản biện chứ không cãi khơi khơi, theo cảm tính được đúng hôn? Ủa, vậy thì học và rèn cho tới Tư duy phản biện đi chớ còn chờ gì nữa?
- Rồi, nếu sếp nói có lý, mình thấy mình sai thiệt, thì giờ mình học cách chấp nhận mình sai đi. Đời này, người thành công nhất là người hiểu rõ mình không bao giờ giỏi hết và đúng hết trong mọi trường hợp. Người thành công người ta biết học, biết nhận sai, biết đi tìm người giỏi hơn giúp mình, biết dung nạp mọi sự khác biệt và điều mới toang mà kẻ khác không biết cách chấp nhận. OK, thở sâu 3 lần và chấp nhận được về mặt lý trí rồi, thì giờ tách lớp cảm xúc ra mà deal với nó.
- Về mặt cảm xúc, nếu sếp có phản ứng hơi quá, la hơi lớn, nổi cơn hơi over thì học cách thông cảm. Sếp cũng là người mà, cũng hỷ nộ ái ố chớ. Nhiều khi cái lỗi của bạn nó chỉ là giọt nước tràn ly. Nhiều khi bực tới một đám nhưng bạn xui sao rơi vào ngay đoạn tràn ly nước. Thế là, nhiều khi sếp phản ứng cho cả một nùi chớ không riêng gì bạn. Ờ thì, nếu đúng như thế, thì sếp chưa biết cách quản trị cảm xúc tốt, thì mình nhắc nhẹ thôi. Dạ sếp ơi, em biết rồi, sếp bớt bớt đi chớ la em dữ vậy? Để em đi rót ly trà. Sếp hít thở sâu và uống trà cho nó giảm cơn giận rồi dạy em tiếp ha. Thật ra, mọi thứ trên đời, mọi cảm xúc và cơn cảm xúc đều xuất phát từ ngòi nổ, nút thắt chớ không chỉ là một hai chuyện xảy ra trên bề mặt. Có khi, người ta la hết là đang la hết với chính quá khứ của mình, không phải chỉ vì chuyện nhỏ xíu của bạn. Thành ra, ai mà học và rèn luyện tốt EI - Trí tuệ cảm xúc thì người đó đương nhiên sẽ rất thành công trong đối nhân xử thế, trong khả năng lãnh đạo và dẫn dắt con người. Sếp cũng vậy, bạn cũng vậy. Nhiều khi, lính mà EI còn cao hơn sếp. Nhưng nếu EI cao, thì đừng phản ứng nhất thời với cảm xúc chứ.
- Còn nếu tự thấy sự phản ứng của sếp thật ra là bình thường thôi, còn phản ứng của chính mình mới là hơi quá thì nên coi lại bản thân đi. Nhiều khi mình nghe chưa hiểu, nghe chưa đúng, chỉ lo khư khư phòng thủ, quyết không nhận sai, quyết đổ thừa cho ai đó khác, thì mình có nghe và quan sát đúng đâu. Thành ra, khi phản ứng, là bạn đang phản ứng với chính bản thân mình. Trong rất nhiều trường hợp, người trẻ là như thế. Nghe thì không nghe, toàn lo phản ứng, đâm ra bị phản ứng lạc đề, rồi từ đó tự thổi phồng, tự suy diễn cho con kiến thành con voi, rồi tự lao vào đám cảm xúc nhầy nhụa đó mà buồn chán, tuyệt vọng đồ. Hey, nói nghe nè, bớt bớt đi, quay lại khởi điểm đi, chuyện nó hông phải vậy, ha.
- Cuối cùng, hỏi mình câu này, nếu chuyện này là một bài học, thì bài học của mình là gì? Lần sau gặp chuyện i sì như vậy thì mình sẽ làm gì khác đi? Mà mình nên làm gì cho nó có kết quả tốt hơn, tốt nhất có thể? Thiệt ra, đây mới là chuyện mình cần tập trung thời gian và công sức vào để giải, chớ không phải bận tâm cho ba chuyện phản ứng tứa lưa với cảm xúc bung bét chẳng đáng xu nào.
Nói tới vậy rồi mà còn không thích sếp ác nữa thì tui chịu. Nói vậy thôi chớ ai lựa chọn sao cũng là lựa chọn của bạn, tốt xấu gì cũng là bạn chịu chớ chẳng ảnh hưởng tới cuộc đời ai. Thành ra, đời mình thì mình chịu trách nhiệm thôi. Lựa chọn hay phản ứng thế nào thì nó tạo ra một dây tác động đi theo đó. Ai chịu phản tư, lắng nghe thì thoát ra nhanh. Ai không thì từ từ đời cũng dạy cho hiểu thôi, chậm chút, rồi cũng về xuất phát lại từ đầu….
Nguyễn Phi Vân