Nguyễn Phi Vân
Chuyên gia
Mình thấy một số các bạn trẻ và hết trẻ Việt Nam hay vầy nè, chuyện em xong rồi, task done rồi, việc giao cho em có làm rồi, thế là xong. “Xong” là từ được sử dụng rất nhiều để diễn tả ai đó đã làm gì đó theo yêu cầu, còn chuyện nó có tạo ra kết quả, tác động, hay việc có hoàn thành hay không thì không ai biết. “Xong” nghĩa là phần của tui tui làm rồi đó, còn phần của mấy người thì mấy người tự lo. Nếu ai cũng làm xong mà việc không xong thì chắc chắn là có lỗi của ai đó ở đâu đó chớ không liên quan tới tui. Và nếu cần truy ra cái lỗi này nó nằm ở đâu thì cả đám sẽ xông vào khởi động công cuộc truy sát kẻ có lỗi, dù công việc vẫn không xong.
Người thành công luôn hướng đến kết quả. Họ không quan tâm bạn đã trải qua mấy thời kỳ, bao nhiêu qui trình, gọi ai làm gì với những giải thích dài dòng để chứng minh là bạn có làm, đã làm, đã xong trách nhiệm của mình. Người thành công chỉ hỏi, một cách hết sức đơn giản, kết quả ra sao? Nếu kết quả là không xong thì việc đó dù có bao nhiêu người đã làm gì thì nó cũng không xong. Nếu kết quả là chưa hoàn thành, vẫn dang dở nửa chừng xuân dù ở đâu thì việc đó coi như không hoàn thành, tất đơn giản là như thế. Nhưng mà…, nhiều bạn cãi, nhưng mà em đã làm xong task cần làm, em đã làm abcdef, mà còn làm thêm g, h, ngoài scope - phạm vi công việc của em luôn, và em phải vắt óc ra suy nghĩ nữa mới được như thế. Nhưng mà…., việc vẫn không hoàn thành thì chuyện chúng ta ngồi đây kể lể cho nhau nghe về mấy chữ cái đó nó có ý nghĩa gì cơ chứ?
Như thế nào là xong? Xong là tôi đã có làm, có đụng tới, hay xong là việc đó hoàn thành với kết quả như hay trên mong đợi? Nếu xong đơn giản chỉ là gạch cái task ra khỏi danh sách công việc thì tất cả mọi người trên thế gian này đều giỏi và xuất sắc như nhau, đều làm “xong” hết tất cả mọi thứ cần làm. Có điều, có rất nhiều người làm “xong” nhưng không xong. Xong mà không có kết quả, sơ sài, qua loa, có làm hay không cũng chẳng ảnh hưởng gì tới hoà bình thế giới hay status công việc. Chỉ có một số ít người làm “xong” và đúng nghĩa là xong. Cho nên mới có người xuất sắc kẻ không. Cho nên mới có người thành công người không. Cho nên mới có người luôn tiến về phía trước và kẻ lục tục ở đằng sau. Xong trong tự điển của bạn là gì? Có khi bạn nên xem lại, vì định nghĩa đó quyết định bạn có phải là người luôn hướng về sự xuất sắc hay không.
Nếu tôi xong, tôi phủi tay, còn lại kết quả ra sao ra, có sai không? Không sai. Sếp bạn nếu là người dễ tính sẽ cằn nhằn vài câu, la lối vài lần rồi thôi, vì hiểu rằng bạn cũng chỉ là con robot, một mắc xích lao động trong dây chuyền tự động mà thôi. Bạn hoàn thành việc đó dù nó không mang lại kết quả, thì cũng là xong, đối với vai trò của một con robot, lập trình sao làm vậy, chỉ tới đâu làm tới đó. Điều đó cũng có nghĩa, con robot này sẽ chỉ tới đó, sẽ chỉ như thế, sẽ chẳng bao giờ có thể làm được gì sáng tạo hơn, quyết liệt hơn, tạo ra kết quả đang ngưỡng mộ hơn. Vậy, nghĩa là ta đang tự đóng khung mình trong cái thế “robot”, tới đó thôi, đừng mất thời gian huấn luyện hay cất nhắc gì. Vậy, nghĩa là ta đang triệt tiêu đường phát triển sự nghiệp và khả năng của chính mình đó chứ. Bạn cam lòng với điểu đó hay sao? Nếu có, thì không còn gì để nói ở đây nữa cả. Nếu không, thì có lẽ nên coi lại định nghĩa về chữ “xong” của chính mình. Với tôi, xong nghĩa là tạo ra kết quả. Còn chưa có kết quả thì chẳng có việc gì xong cả. Đừng đánh tráo khái niệm!
Nói như vậy, thẳng thắn như vậy, dễ mất lòng. Nhưng thà là mất lòng mà đánh thức được vài người còn hơn. Khi thức tỉnh rồi, bạn sẽ có tâm thế và năng lượng khác đối với từng việc mình làm, dù to hay nhỏ. Đừng đánh dấu hoàn thành chéo chéo cho đã cái nư “thành tích” mà việc thật ra chẳng tới đâu. Làm vậy để làm gì? Thật xấu hổ khi mình đang hoàn thành những việc chẳng giúp gì được cho ai, chẳng tạo ra bất kỳ ảnh hưởng hay tác động nào đến kết quả. Sự dễ dãi và ham hố thành tích đó nó sẽ nuôi dưỡng ra một con người càng ngày càng vô dụng, vì tất cả những thứ họ “làm” không tạo ra bất kỳ lợi ích hay giá trị nào. Chẳng lẽ, mình sinh ra để biến bản thân trở nên vô dụng hay sao?
Cho nên, mình chia sẻ vài câu hỏi ở đây, để làm định hướng cho các bạn trẻ tự hỏi mình, tự phản tư, tự đánh giá và thay đổi, vì dự xuất sắc và thành công của bản thân mình nhé, chứ chẳng liên quan gì đến ai khác ở đây đâu.
- Việc tôi vừa làm có tạo ra kết quả hay không? Kết quả đó là gì? Kết quả đó có làm thay đổi trạng thái của vấn đề cần giải quyết một cách tích cực và đẩy nó đến một cột mốc tốt hơn?
- Nếu có, tôi còn có thể làm gì nữa để kết quả đó có thể tốt hơn so với hiện tại?
- Nếu không, tại sao lại không? Tôi cần làm gì tiếp theo để chắc chắn là nó sẽ tạo ra kết quả?
- Nếu việc tôi vừa làm chỉ là một khâu và có liên quan đến ai đó khác, người tiếp theo có làm tiếp được một cách thuận lợi từ kết quả tôi vừa thực hiện hay không?
- Nếu có, thì tôi có thể làm gì nữa để giúp cho họ tạo ra kết quả tốt hơn?
- Nếu không, thì tôi cần làm lại điều gì hay hiệu chỉnh gì để output của tôi trở thành input quan trọng đối với họ?
- Nếu việc tôi vừa làm nếu không thể hoàn thành vì bất kỳ một lý do nào đó, tôi có đang im im, làm lơ, bỏ qua không? Hay tôi nên báo cáo / chia sẻ / kêu gọi hỗ trợ từ ai để nó có thể hoàn thành?
Chỉ cần nhét trong túi của mình vài ba câu hỏi này, rồi hỏi mình hàng ngày, trong bất cứ việc gì bạn đang làm và vừa làm xong, rồi bạn sẽ trở nên xuất sắc, trở thành người có trách nhiệm nhất hành tinh, và vì vậy sẽ được trao cho nhiều cơ hội hơn ai hết. Chuyện thăng tiến hay thành công trong đời nhiều khi nó chỉ giản đơn đến thế, không cần cào cấu gì cho nó mệt. Ok không?
Nguyễn Phi Vân