Nguyễn Phi Vân
Chuyên gia
Mình có đứa em, tính tình hiền lành, tử tế, trong trẻo và rất hay tin người. Mà đời này, Thạch Sanh thì ít Lý Thông thì nhiều. Thành ra, gặp mấy con cừu non như vậy thì chẳng có con sói nào nó chừa. Bạn tin tưởng hết người này tới người nọ, rồi cũng lần lượt bị váng cho những đòn mất hồn hết lần này đến lần nọ. Cho đến khi bạn lắc đầu than với tôi, chị ơi, giờ em nghi ngờ tất cả mọi người, em không biết phải tin ai nữa, và em sợ. Vậy là, từ một thái cực này, bạn đã bị quăng sang một thái cực ngược lại, từ ai cũng tin đến không tin ai. Có lẽ, đó cũng là câu chuyện của nhiều người, sau những vấp ngã và tổn thương do người đời tặng cho.
Tôi nói với em, em ạ, thái cực nào cũng không tốt. Bản chất của cuộc sống là sân khấu. Bản chất của con người là diễn viên. Thứ chúng ta nhìn thấy chỉ là 10% phần nổi của tảng băng trôi. Và tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng bởi halo effect - hiệu ứng hào quang. Chúng ta thấy họ sáng ngời quá, giàu có quá, danh tiếng quá, xinh đẹp quá, nhiều người follow quá thì ngay lập tức ta đưa họ lên chiếc đài sùng bái. Ở đó, họ như một vị thánh, cái gì cũng tốt, thứ gì cũng hay, một lời nói ra tưới tắm cả nhân loại, kiểu thế. Khi nhìn thấy những hành vi hay cách ứng xử không khớp lắm thì chúng ta vội vàng biện minh cho họ, bỏ qua tất cả những thứ gọi là red flags - những ngọn cờ đỏ warning ta về những chuyện lạ cần lưu ý. Vì hiệu ứng hào quang, ta bỏ qua tất cả, ta chỉ cho phép mình nhìn thấy những gì bản thân muốn nhìn thấy, và tự biện minh cho những gì chúng ta không muốn thấy theo chiều hướng bảo vệ cho họ. Mình cũng rảnh lắm phải không mọi người?
Đó cũng chính là lý do vì sao ta bị họ qua mặt. Thật ra thì, họ cũng chẳng cố ý qua mặt ta làm gì. Bản chất của họ vốn đã diễn theo bản chất của cuộc sống, và họ show ra 10% phần nổi theo cái cách mà họ muốn ta nhìn thấy, thấy vậy không phải vậy, thấy vậy nhưng thật ra chỉ là một chiếc show được dàn dựng kỹ càng. Vấn đề là ta tin sái cả cổ, và bu vào đong đưa theo, nhảy nhót theo từng tiết mục trong cái show của họ. Ta quên rằng, đời nó là 90% phần chìm của tảng băng trôi, và con người thì, có khi đào hết 90% phần chìm còn chưa thấy được bản chất thật nữa là. Họ không cố ý lừa ta. Họ chỉ show ra một cái bao bì rất khác. Còn ta thì, vì không hiểu, chưa hiểu bản chất của đời và người, vì lười không chịu làm bài tập thêm về họ, nên tự mình mang vác cái sự hiểu lầm vào người, rồi cũng tự mình suy diễn này nọ ra thôi chứ chẳng liên quan gì tới họ. Cho nên, thiệt ra thì mình không trách được ai mà chỉ có thể trách bản thân mình chưa biết cách lèo lái trong cuộc đời này. Thế giới ngoài kia đương nhiên nó là sân khấu. Con người ngoài kia đương nhiên đang diễn sâu. Mình có nhìn ra không và biết cách vận hành như thề nào trong thế giới đó mới là vấn đề.
Cho nên, đừng để cho bản thân rơi vào thế cực đoan này, đừng là con cừu non trong trẻo tin vào tất cả mọi sự thánh thiện của thế gian, nhưng cũng đừng nghi ngờ tất cả thì làm sao sống nổi? Thế gian luôn có người tốt kẻ xấu, luôn có người tử tế kẻ xấu xa, luôn có kẻ diễn sâu và người sống thật. Vấn đề là, bất cứ ai trong chúng ta cũng phải học kỹ năng nhận biết sự thật đằng sau tất cả những lớp màn nhung sân khấu của cuộc đời. Ai nói gì, show gì, trình diễn gì cũng đừng vội tin ngay mà phải sử dụng tư duy phản biện và trí thông minh cảm xúc của mình để mà soi rọi lại. Hỏi mình vài câu hỏi cơ bản:
- Điều họ nói và chuyện họ làm nó có ăn khớp với nhau không? Có người nói hay lắm, nhưng lật sổ ra xem thì thực tế chẳng có gì để chứng minh là họ đã từng làm được. Nói thì hoành tráng, vung cả tay chân lên trời, diễn giả diễn thiệt các kiểu, nhưng xét lại có thấy thành tích gì rõ ràng đâu, toàn là nói thôi. Kiều này thì nhiều lắm, và ngày càng nhiều tại Việt Nam, quen ăn to nói lớn, đăng đàn hả họng nhưng tư duy, trải nghiệm, và khả năng thì ếch ngồi đáy giếng. Vấn đề là, vì mình không chịu học hỏi và tìm hiểu nên nghe họ nói hay quá thì cứ lăn ra tin. Tin sai cũng là lỗi của mình thôi. Tại mình thiếu hiểu biết.
- Cách họ đối xử với người khác có khớp với cách họ đối xử với mình? Có lần, tôi gặp một người quen của em. Gặp xong, tôi nói em ơi, bạn này không ổn nha. Gặp chị khi có em và khi không có em là 2 con người hoàn toàn khác nhau. Chỉ cần một cái cờ đỏ đó thôi là đã thấy bạn ấy có vấn đề rồi. Nhưng rồi em cứ tự mình biện mình cho người ta, và 2 năm sau thì mặt chuột lòi ra, em ngỡ ngàng trước sự đen đúa của người kia. Có gì đâu, tại mình không lắng nghe, không quan sát, không để ý thôi mà. Cho nên, người nào hành xử khác nhau về giá trị với những người khác nhau thì mình biết ngay là người đánh tráo giá trị hoặc chẳng có giá trị gì. Họ diễn theo lợi ích cá nhân và theo cái thế mà họ có được đối với những nhóm người khác nhau.
- Họ có những hành xử gì khác thường - “red flags” không? Khi thấy cờ đỏ pop úp lên thì ngay lập tức mình cần phải dừng lại, đặt lại câu hỏi xem có gì đó sai sai ở đây. Đừng bỏ qua cờ đỏ. Đừng để mình bị đánh lừa bởi hiệu ứng hào quang do chính mình làm vào. Giữ cho bản thân tỉnh táo để quan sát và đánh giá lại một ai đó là điều hết sức quan trọng. Nói vậy, nhưng thật ra cũng phải trải nghiệm vài lần bị sụp ổ gà rồi thì con người mới học được bài học về sự tỉnh táo. Cuộc sống mà, là hành trình học hỏi và lớn lên mỗi ngày. Đừng uống nước hai lần ở cùng một dòng sông là được.
Thật ra, bàn chuyện con người thì không bao giờ có chuyện gì đơn giản cả. Càng không có vài ba câu hỏi mà nhận ra người ấy là ai. Nhưng ít nhất, chúng ta đều nên học cách đặt bộ lọc cơ bản cho tất cả những tương tác trong xã hội để bảo vệ cho bản thân mình. Đó là cách giữ cho mình sống tích cực, lạc quan, vui vẻ và hạnh phúc thay vì cho phép mình rơi vào những vũng lầy cảm xúc không lối thoát. Tin tất cả cũng không được. Không tin ai cũng không được. Mình cần phát triển khả năng nhìn người ngày càng giỏi để vận hành hiệu quả hơn trong cái thế giới sân khấu này. Vậy thôi!
Nguyễn Phi Vân