[KN GIAO TIẾP] Ứng viên chuyên nghiệp - Từ chối đúng cách

[ tf ]

[♣]Thành Viên CLB
Sau một khoảng thời gian tìm việc, cuối cùng điều bạn mong đợi nhất đã đến: nhận được Thư mời làm việc chính thức. Tuy nhiên, khi mọi vui mừng tạm lắng xuống, bạn lại thấy đắn đo về sự lựa chọn của mình. Và nếu đến phút chót, bạn thay đổi quyết định, không muốn nhận công việc này nữa, bạn phải làm gì đây? Cách nào sẽ giúp bạn từ chối mà không làm phật lòng nhà tuyển dụng (NTD)? Bài viết cuối cùng trong loạt bài “Ứng viên chuyên nghiệp” kỳ này sẽ giúp bạn tìm được hướng giải quyết ổn thoả cho tình huống trên.

Bạn không phải là ứng viên duy nhất trên đời rơi vào hoàn cảnh “từ chối một lời mời làm việc”. Vì vậy, vấn đề chỉ còn là cách từ chối như thế nào để NTD không có ấn tượng xấu về bạn và sau này họ không thẳng tay “loại” tên bạn ra khỏi danh sách ứng viên nếu lỡ bạn muốn ứng tuyển tiếp vào công ty đó. Và một khi bạn đã quyết định từ chối, hãy nhanh chóng báo ngay với NTD để họ còn kịp thời gian tìm một ứng viên khác.

Nhiều NTD than phiền một số ứng viên ngày nay không biết cách từ chối lịch sự. NTD đã tốn rất nhiều thời gian, công sức và chi phí để tuyển được ứng viên, nhưng đến khi gởi thư mời làm việc thì không hề nhận được phúc đáp nào từ ứng viên này. Gọi điện thoại liên lạc nhiều lần cũng không gặp được. Hoặc khá hơn thì sau đó nhiều ngày ứng viên liên lạc lại và báo … đã tìm được việc khác! Lại có trường hợp, ứng viên chấp nhận về làm việc, nhưng được 1-2 ngày thì lại xin nghỉ phép và rồi “lặn” mất tăm. Những cách ứng xử như trên không khác gì tự ghi tên mình vào “sổ bìa đen” của NTD.

Các chuyên gia tư vấn khuyên rằng, một khi muốn từ chối một công việc, hãy sớm báo với NTD và giải thích (một cách lịch sự) tại sao bạn không nhận việc này. Giữ được mối quan hệ tốt với NTD sẽ giúp ích rất nhiều cho đường tìm việc của bạn sau này. Hơn nữa, những NTD thường quen biết lẫn nhau, do đó bạn cần giữ, tránh gây “tì vết” trên tên tuổi của mình.

Bạn nên từ chối qua thư, cho NTD biết bạn rất cảm kích vì họ đã dành thời gian và cơ hội việc làm này cho bạn và nêu rõ lý do tại sao mình không thể nhận công việc như thế vào lúc này. Bạn có thể nói rằng công việc đòi hỏi bạn phải thường xuyên đi công tác trong khi bạn phải quán xuyến nhiều việc gia đình. Dù bạn nêu lý do gì, cũng nên trình bày một cách nhẹ nhàng, lịch sự.

Tốt hơn nữa, nếu bạn có người quen hoặc bạn bè phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của công ty, hãy giới thiệu họ. Thông tin bạn cung cấp sẽ giúp NTD thoát khỏi thế “bị động” và dễ tìm được người khác thay thế để không ảnh hưởng đến công việc.

Qua bài viết cuối cùng này, một lần nữa khẳng định thái độ, cung cách ứng xử của bạn là yếu tố giúp định hình thành công trong tương lai. Ngay cả khi bạn từ chối, nhưng với cách trả lời nhẹ nhàng, lịch thiệp, bạn sẽ luôn giữ được hình ảnh chuyên nghiệp của mình trong mắt NTD. Ngược lại, một thái độ im lặng, mập mờ sẽ khiến bạn có nguy cơ mất đi những cơ hội mới trong tương lai không xa.

Loạt bài tư vấn “Ứng viên chuyên nghiệp” tạm khép lại tại đây. Chúng tôi hy vọng các bạn sẽ đúc kết được ít nhiều những thông tin hữu ích cho bản thân và áp dụng chúng vào quá trình tìm việc của mình để tên bạn luôn nằm trong “bảng vàng” của NTD!
 

thuytruc

Thành viên
vậy khi quyết đinh từ chối, nhằm giữ hình ảnh đẹp về bản thân, tạo đường cho tương lai cần:
1 báo cáo nhanh (không được im lặng í)
2 tìm lý do cho phù hợp.
3 ứng xử một cách lịch sự.

hic. Vấn đề số 2 mình nghĩ khá là nhức đầu.
có ai nghĩ ra lý do gì để nói với nhà tuyển dụng hôn?
 

romitv

Thanh viên kỳ cựu
Tôi nghĩ nói đúng, nói thật và khéo léo trong lời nói sẽ giúp cho nhà tuyển dụng hài lòng về lời từ chối của bạn, vì một mai bạn vẫn có thể quay lại xin việc tại nơi mà bạn đã từng từ chối.
 

lecaoson9192

Thanh viên kỳ cựu
Từ chối quả là cả một nghệ thuật và người từ chối cũng là một người nghệ sỹ. Bản thân mỗi người chúng ta được ban cho một bộ óc tuyệt vời, một bộ óc biết suy nghĩ, cảm nhận cái đẹp, phân tích và xử lý tình huống một cách khôn ngoan, làm vui lòng người khác.

Mỗi người ai cũng có ước mơ, hoài bão, chọn cho mình một công việc thích hợp với mình. Tất nhiên, đôi lúc chúng ta cũng cảm thấy việc làm trước mắt không phù hợp với nguyện vọng của ta nên sự từ chối cũng phải đúng lúc và phải khéo léo, lịch sự như bạn đã nêu.Và điều ấy là rất cần thiết cho việc xây dựng một mối quan hệ xã hội tốt đẹp, lành mạnh cũng như cho nghề nghiệp tương lai của mình.^^
 

elsonhoang

[♣]Thành Viên CLB
Nghệ thuật từ chối

Thật là khó từ chối khi có ai nhờ vả bạn giúp điều gì đó, nhất là lúc bạn không rảnh. Bạn muốn từ chối nhưng không biết nói sao cho người kia không phật lòng, mà cũng để mình khỏi áy náy.


1. Hãy nhạy bén với động thái từ chối. Cần lưu ý mức độ thân thiết của mối quan hệ và cách từ chối. Nhờ vậy mà bạn khả dĩ quyết định nên làm gì. Hãy cân nhắc mức ảnh hưởng của sự từ chối đối với mối quan hệ (bạn bè, thân thuộc, công việc,...).

2. Biết rõ việc được nhờ. Chúng ta có thể quyết định ngay mà lại không biết "lượng" sức mình có giữ đúng lời hứa hay không. Tuy nhiên, từ chối "thẳng thừng" thì lại kém tế nhị. Hãy "hoãn binh" một lúc để "chọn" từ ngữ, giọng nói và thể ngữ (ngôn ngữ cơ thể) cho hợp lý để tránh căng thẳng cho cả hai.

3. Đánh giá yêu cầu. Hãy cân nhắc chi tiết và lĩnh vực được yêu cầu. Cố gắng tìm một thỏa hiệp để đẹp lòng đôi bên. Bạn có thể phân tích để giúp người kia hiểu rõ hoặc đề nghị cách giải quyết khác. Như vậy là bạn đã thể hiện sự cảm thông và chia sẻ với người kia.

4. Xác định khả năng. Trước khi từ chối, hãy xác định là bạn không thể thỏa mãn yêu cầu của họ, vì bạn không đủ khả năng hoặc bạn quá bận. Nếu đúng sở trường mà bạn từ chối thì bạn có thể mất uy tín, vì vậy bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng.

5. Cảm thông và hiểu biết. Biết người và biết ta để tránh ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ. Hãy chân thành và xin lỗi nếu bạn không thể giúp họ, đồng thời tỏ ra bạn luôn lắng nghe, nhưng vì "lực bất tòng tâm".

6. Đừng gởi tin nhắn, email hoặc lời nhắn. Nên gặp trực tiếp hoặc gọi điện thoại để tránh hiểu lầm. Nếu không, bạn có thể bị đánh giá thấp vì họ hiểu là bạn coi thường họ. Gặp nhau trực tiếp là cách tốt để có thể hiểu nhau hơn, không bị "tam sao thất bổn".

7. Đừng trì hoãn khi đã quyết định. Đừng để đến ngày mai những gì bạn có thể làm ngay hôm nay. Quán tính sẽ làm bạn lần lữa, e ngại, và khiến người khác hiểu sai về bạn. Đừng quên: "Một sự bất tín, vạn sự không tin". Đó cũng là chính mình hạ giá mình!

8. Đừng "thế thủ". Bạn không nên tỏ vẻ độc đoán hoặc chê trách họ. Hãy biết phục thiện, nhận khuyết điểm và cảm thông khi đối thoại. Cố chấp và bảo thủ là các động thái "đào sâu" hố ngăn cách, không thể tái lập bình thường hóa.

9. Đừng nói "không" đang khi thảo luận. Cũng vẫn từ chối, nhưng thay vì nói "không", bạn hãy dùng cách nói "nhẹ" hơn như "Tôi hiểu rằng...", "Tôi không thể, vì...". Và nên tránh "cướp lời", lắng nghe và gật đầu để thể hiện sự cảm thông.

10. Đừng "thổi phồng" vấn đề. Hãy bình tĩnh trước vẻ tức giận và thất vọng của đối phương, chú ý những gì họ nói ngoài những từ ngữ không đẹp mà họ nói. Đừng "nhiễm" cơn nóng của họ hoặc đừng "đổ dầu vào lửa".

Biết rằng không dễ từ chối, nhưng trước khi từ chối, hãy đặt mình vào hoàn cảnh của họ và hiểu sự ảnh hưởng đối với họ khi bạn từ chối. Khi họ nhận thấy bạn vẫn quan tâm và cảm thông, họ sẽ dễ chấp nhận lời từ chối của bạn hơn.


(Theo Người Lao Động)
.
 

Bình luận bằng Facebook

Top