javascript: http://chungta.com.vn/PortletBlank....cach_hieu_chu_nghia_ca_nhan/?print=1853444764 Ý niệm “chủ nghĩa cá nhân” lưu hành trong đời sống và ngôn ngữ hàng ngày thuộc “đạo đức học”, nghĩa của nó khá rõ và đơn giản: đó là thói ích kỷ, trong mọi hoàn cảnh đặt lợi ích của mình lên trên hết, không cho ai động đến “một sợi lông chân của mình”, có thể gọi tên nó là chủ nghĩa cá nhân “đạo đức học”.Trong khẩu hiệu “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân” Hồ Chủ tịch nói đến chủ nghĩa cá nhân này. Trong mọi xã hội, mọi thời đại chủ nghĩa cá nhân này đều bị lên án.
- Còn cái mà chúng tôi gọi là chủ nghĩa cá nhân “văn hoá” không có liên quan gì đến chủ nghĩa cá nhân “đạo đức học”: đó là ý thức của cá nhân về cá tính và bản lĩnh riêng của mình, đặc biệt nó thể hiện ở “lòng tin “của cá nhân vào “giá trị của ý kiến riêng của mình” cũng như giá trị những hình thức diễn đạt nó lựa chọn và sáng tạo, tóm lại đó là lòng tin của cá nhân vào bảng giá trị của nó (thuộc mọi lĩnh vực chính trị, mỹ học, đạo đức…).
Một chủ nghĩa xấu chưa từng có
- Trong giai đoạn chống Pháp, giành độc lập (1945-1954) hầu như sách báo và văn bản của ta chưa có nhóm từ “chủ nghĩa cá nhân”. Đó là nhờ tinh thần xả thân vì lý tưởng, tác phong gương mẫu và phẩm chất liêm chính của lớp cán bộ-đảng viên ở cái thuở xa xưa ấy.
- Nhưng khi tạm thời có hoà bình (1954-1960), tư tưởng “cầu an, hưởng lạc”, “tự tư, tự lợi” bắt đầu xuất hiện, bị phê phán, dần dần quy về chủ nghĩa cá nhân.
- Giai đoạn từ 1960, khi đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh lên CNXH, đồng thời phát động cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, Đảng đòi hỏi mọi người cống hiến, hy sinh nhiều hơn nữa. Do vậy, cần lên án mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Trong học tập chính trị, cũng như trong chỉnh huấn, chỉnh đảng, chỉnh quân, bao giờ cũng có mục đề cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng và lên án chủ nghĩa cá nhân, để mỗi người tự liên hệ mà kiểm điểm bản thân. Đích thân cụ Hồ, với cương vị lãnh tụ tối cao của đảng, đã kịp thời phát biểu, viết bài trong mọi dịp cần thiết.
Nhân 40 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trang mạng của đảng CSVN đã kê ra những nội dung chính về chủ nghĩa cá nhân mà vị chủ tịch đã nêu:
- Tháng 3-1960: Chủ nghĩa cá nhân như tự tư tự lợi, tự kiêu, tự mãn, chỉ tham việc gì có danh tiếng, xem khinh những công việc bình thường.
- Tháng 3-1961: Chủ nghĩa cá nhân, lợi mình hại người, tự do vô tổ chức, vô kỷ luật và những tính xấu khác, là kẻ địch nguy hiểm của chủ nghĩa xã hội.
- Tháng 1-1965: Chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù nguy hiểm mà mỗi người chúng ta phải luôn luôn tỉnh táo đề phòng và kiên quyết tiêu diệt.
- Tháng 7-1965: Tranh công đổ lỗi là biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân.
- Tháng 2-1969: Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”.
Nó còn là nguồn gốc của mọi cái xấu
Trong bài nói trên, Hồ chủ tịch (ký là TL) đã tóm tắt đặc điểm và tác hại của chủ nghĩa cá nhân: Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khǎn, sa vào tham ô, hủ hoá, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ.
Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân.
Tóm lại, do cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm.
Sau đó 38 năm, khi phát động học tập đạo đức Hồ Chí Minh (dịp 3-2-2007) tổng bí thư đương nhiệm vẫn nhắc lại một số nội dung mà cụ Hồ đã nêu: Tư tưởng không đúng thì có nhiều, nhưng có một tư tưởng mẹ: đó là chủ nghĩa cá nhân. “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích của tập thể. “Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư, nết xấu như : lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô... Chủ nghĩa cá nhân là vết tích xấu xa của xã hội cũ, “là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc. Mà ai cũng biết rằng xuống dốc thì dễ hơn lên dốc. Vì thế mà càng nguy hiểm”.
Ngày 31-8-2009, nhân kỷ niệm 40 năm cụ Hồ viết di chúc, bài trên trang mạng của đảng Cộng Sản Việt nam cũng nhắc lại lời Cụ: Chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng rất độc, do đó mà nó sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm như: Bệnh tham lam; bệnh lười biếng; bệnh kiêu ngạo; bệnh hiếu danh; bệnh thiếu kỷ luật; óc hẹp hòi; óc thực dụng; óc lãnh tụ. Và kết luận: Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội.
Bài trên cũng cho biết: Các đại hội đảng, các hội nghị trung ương đều liên tục và mạnh mẽ nói về nguy cơ, tác hại của chủ nghĩa cá nhân và sự bành trướng của nó:
- Hội nghị Trung ương lần thứ V khoá VI đã nghiêm khắc chỉ ra những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên khi đi vào đổi mới, đó là bệnh quan liêu, bàn giấy, xa rời quần chúng, xa rời thực tế, hống hách với nhân dân; sinh lòng thèm khát dồng tiền, sẵn sàng “chiếm công vi tư”, đục khoét của cải của nhân dân; sống buông thả, sa đoạ, móc ngoặc và tiếp tay cho bọn làm ăn bất chính ngoài xã hội; cơ hội chủ nghĩa, sống vô nguyên tắc, chỉ biết luồn lọt, nịnh bợ để có danh lợi; không tự phê bình và phê bình trên tình đồng chí, hoặc là xuê xoa, nể nang, hoặc là lợi dụng để đả kích nhau, tạo ra phe phái gây mất đoàn kết nghiêm trọng.
- Trong nhiệm kỳ khoá VII, nhận diện của Đảng về chủ nghĩa cá nhân có sự phát triển. Tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đảng ta cho rằng tham nhũng, quan liêu trở thành một trong bốn nguy cơ đối với chế độ mà Đảng, nhân dân ta đã lựa chọn và là biểu hiện tập trung của chủ nghĩa cá nhân, suy thoái đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên.
- Đến Đại hội VIII, chủ nghĩa cá nhân với rất nhiêu biểu hiện, đặt Đảng trước thách thức lớn hơn. Đại hội nhận định: một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng bản thân, phai nhạt lý tưởng, mất cảnh giác, giảm sút ý chí, kém ý thức tổ chức kỷ luật, sa đoạ về đạo đức lối sống. Bệnh quan liêu, độc đoán, cục bộ địa phương, kèn cựa, địa vị rất nặng. Số thoái hoá về chính trị tuy ít, nhưng hoạt động của họ gây hậu quả rất xấu.
- Những năm đầu của thế kỷ XXI, chủ nghĩa cá nhân với biểu hiện tập trung của nó là tham nhũng, tiêu cực diễn biến càng phức tạp hơn. Đại hội lần thứ IX, lần thư X của Đảng đều đã đề cập đến chủ nghĩa cá nhân và các biểu hiện chính của nó. Đảng chủ trương mỗi cấp uỷ, mỗi chi bộ có kế hoạch định kỳ kiểm điểm và thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, chống tư tưởng cơ hội thực dụng.
Nó là kẻ thù từ bên trong, dường như tự sinh, tự dưỡng, có sức sống mãnh liệt, dù chúng ta luôn luôn cảnh báo và đã huy động mọi khả năng để diệt trừ. Có lẽ chủ nghĩa này ở các nước bạn còn nặng nề hơn, vì chỉ 2 thập niên sau khi cụ Hồ mất, các nước XHCN Đông Âu và Liên Xô đã theo nhau sụp đổ.
Nay, 2009, nó đã phát triển tới mức đặt chế độ ta trước nguy cơ tồn vong.
Thế giới hiểu khác ta về chủ nghĩa cá nhân
Phương Tây xoá bỏ chế độ phong kiến trước phương Đông nhiều thế kỷ. Đó là điều kiện tiên quyết để chủ nghĩa cá nhân ra đời cách nay đã hai trăm năm. Đó là khi dân trí đã đủ cao, cuộc sống vật chất và tinh thần được nâng lên, tầng lớp trí thức “đích thực” đã hình thành, khiến cho mỗi con người có điều kiện suy nghĩ về những quyền lợi chính đáng của chính mình khi chung sống trong xã hội. Trước nhất và cơ bản nhất, đó là các quyền tự do cho mỗi cá nhân. Mỗi cá thể không còn quá lệ thuộc vào cộng đồng, mà phải trở thành một thành viên độc lập của cộng đồng ấy, có quyền có suy nghĩ riêng, đưa ra ý kiến, quan điểm riêng, và thể hiện bản thân theo cách riêng. Không ai bị buộc trở thành một cái bóng mờ nhạt, bị chìm lấp vào đám đông - kể cả đó là cái bóng của vĩ nhân. Tóm lại, bất cứ ai cũng được quyền thể hiện bản thân, để “tôi phải là chính tôi”.
Đạo đức cao nhất của chủ nghĩa cá nhân là không vi phạm quyền tự do của các cá nhân khác. Suy ra, chức năng số 1 của Nhà Nước là tạo điều kiện để mỗi cá nhân thực hiện đầy đủ các quyền tự do; đồng thời ngăn chặn sự xâm phạm quyền tự do của cá nhân từ bất cứ cá nhân (hay nhóm) nào khác. Nhà nước không được phép tự ý gom gộp những cá nhân thành một đám, nhào nặn để nó “có hình thù vừa ý” nhằm dễ quản lý và sai khiến cả đám – như Hitler đã làm.
Như vậy, trong khi 87 triệu dân ta hiểu chủ nghĩa cá nhân là xấu xa, nguy hiểm; thì phần khổng lồ còn lại của nhân loại lại hiểu khác.
Thành tựu và sai lầm
- Một thành tựu trong quá trình ngàn năm tư duy và tiến hoá của nhân loại là tạo ra khái niệm cá nhân. Đám nô lệ khổ sai xây Kim Tự Tháp, hoặc khối nông nô lầm than đắp Vạn Lý Trường Thành không thể có khái niệm cá nhân. Không có chuyện mỗi nô lệ dám “thể hiện mình”. Mỗi người chỉ như con kiến, không cá tính, bị chìm lấp trong đàn kiến. Đó chính là tình trạng của mỗi thường dân ở xã hội phong kiến và càng như vậy ở mọi xã hội trước phong kiến.
Cá nhân, đó là con người độc lập, tuy trừu tượng (không chỉ ra một ai cụ thể), nhưng lại phổ cập (là bất cứ cá thể nào trong nhân loại) mà không phân biệt quốc tịch, màu da, trình độ... Chủ nghĩa cá nhân đặt quyền lợi và hạnh phúc của mỗi con người lên trên hết. Sau hàng thế kỷ, sự phát triển và hoàn thiện lý luận về chủ nghĩa cá nhân đã đưa đến sự ra đời khái niệm quyền con người (nhân quyền) như ta thấy hiện nay.
- Sai lầm lớn nhất: Đó là quan niệm coi “cá nhân” là... “bản thân mình”. Từ đó, coi chủ nghĩa cá nhân là thứ chủ nghĩa đặt quyền lợi và hạnh phúc của bản thân mình lên trên hết. Nếu gọi đúng tên, thì đây là chủ nghĩa vị kỷ (egoism, đối lập với chủ nghĩa vị tha), chứ không phải là chủ nghĩa cá nhân (individualism, đối lập với chủ nghĩa tập thể). Hầu hết trường hợp chống chủ nghĩa cá nhân là do cách hiểu sai lầm này. Càng tai hại, nếu giới quyền lực cố ý hiểu sai như vậy.
Đương nhiên, đang có hai cách hiểu trong chúng ta
Dân ta được giáo dục để hiểu chủ nghĩa cá nhân theo nghĩa xấu. Việt Nam ta mượn danh từ “chủ nghĩa cá nhân” chỉ để làm cái vỏ, và nhét vào đó một nội dung tự quy ước - khác với nội dung gốc. Xin khẳng định: Đó là quyền của Việt Nam, miễn là Việt Nam chỉ dùng khái niệm tự quy ước này trong phạm vi nước ta – và cứ vô tư mà dùng - cho đến khi nào buộc phải thống nhất với khái niệm chung của thế giới.
Tuy nhiên, vẫn có một số người Việt có điều kiện tiếp cận với quan niệm của thế giới. Do vậy, họ có hai cách hiểu. Và họ sử dụng mỗi cách tuỳ theo tình huống. Không khó gì tìm ra trên báo chí ta những bài viết gần đây bàn về chủ nghĩa cá nhân dưới góc độ triết lý, học thuật. Tuy nhiên, người bàn luận sớm nhất về chủ nghĩa cá nhân - theo cách hiểu từ gốc – có lẽ là cụ Phan Khôi. Từ trên 70 năm trước, sau khi lập luận đầy đủ, cụ đã đưa ví dụ: đàn chim sẻ đã sống theo “chủ nghĩa cá nhân” (mỗi cá thể có quyền tự quyết định), còn đàn kiến sống theo “chủ nghĩa tập thể” (mỗi cá thể không có quyền đó).
Đề xuất và vài nhận định sơ bộ
- Đề xuất: Đã tới lúc nên thay từ “chủ nghĩa cá nhân” bằng chủ nghĩa vị kỷ? Chớ nên tiếc, vì sự thay thế này chẳng liên quan gì tới “bản sắc văn hoá” (là cái chúng ta muốn giữ gìn), cũng chẳng phải sự khác nhau về quan niệm Đông - Tây. Cái chủ nghĩa vị kỷ này không chỉ là kẻ thù của CNXH mà là kẻ thù của cả nhân loại. Có điều, sao nó cứ ngang ngược ở nước ta hơn ở đâu hết.
- Nhận định
- Chủ nghĩa vị kỷ bị lên án suốt nửa thế kỷ; tới nay vẫn tiếp tục bị mạt sát nặng nề. Điều đó chứng tỏ ta rất căm ghét nó, trút bực tức lên nó – vì bất lực với nó. Không những nó chưa bị “quét sạch” (như cụ Hồ dặn lại) mà còn phát triển đầy thách thức. Biểu hiện tiêu biểu nhất là nạn tham nhũng – đã tới mức đe doạ sự sinh tồn của chế độ. Vấn đề “ai thắng ai” lại được đặt ra lần nữa, nhưng không phải giữa hai phe (XHCN và TBCN) như trước đây, mà là ngay trong nội bộ xã hội XHCN ở nước ta. Mong rằng kết quả đấu tranh lần này sẽ khác lần trước.
- Là những người duy vật, nhưng chúng ta chỉ có trong tay biện pháp duy tâm để chống lại nó. Biện pháp quan trọng nhất tới nay vẫn chỉ là khuyên (hoặc đòi hỏi) mỗi người phải học tập đạo đức bác Hồ và tự rèn luyện bản thân. Dường như những đối tượng cần học nhất lại chưa học, hoặc học chưa đủ. Ngược lại, lòng tin vào chủ nghĩa Mác-Lênin mà chúng ta cố công vun đắp lại suy thoái tới mức những văn kiện lớn của đảng phải dùng tới những từ “phai nhạt lý tưởng”, “suy giảm sút ý chí”, “sa đoạ về đạo đức, lối sống“... Nhưng biện pháp sửa chữa cũng rất duy tâm: Đó là mỗi người phải... tự rèn luyện (rèn luyện theo hướng nào?).
- Chủ nghĩa? Đó là lý tưởng để theo đuổi cả đời. Chủ nghĩa vị kỷ đang lộng hành chứng tỏ ngày càng đông người coi đó là lý tưởng đời mình. Nếu họ lại “rèn luyện” lòng tin lý tưởng của họ thì nguy quá.
- Liệu có phải chủ nghĩa vị kỷ sinh ra ngay từ trong cơ chế của chế độ? Bởi vì, từ thập niên 60 tới nay, dài bằng đời người, nó đã tự chứng minh năng lực tự sinh, tự phát triển dường như vô địch của nó. Nếu đây là bệnh tự sinh, tự phát – ví dụ, do độc quyền chia chác chức vụ - hỏi làm sao cách chữa như hiện nay có thể đưa lại kết quả?.
cảm ơn mọi người đã lắng nghe mình./.