Sự phát triển kinh tế kéo theo sự biến đổi của xã hội về nhiều mặt, đặt con người vào những cơ hội, rủi ro và thách thức mới. Từ những thập niên 60, 70 của thế kỷ XX, những vấn đề xã hội nổi cộm ở các nước phát triển, đặc biệt là sự “nổi loạn” của giới trẻ, sự bùng nổ của các tệ nạn… khiến xã hội phải nhìn nhận lại về những giá trị trong cuộc sống con người, về vai trò của giáo dục trong quá trình định hướng phát triển nhân cách con người trong hoàn cảnh hiện tại. Xã hội có nhiều yếu tố thay đổi, điều đó đòi hỏi con người phải cần trang bị thêm những kiến thức, kỹ năng mới, và giáo dục cũng phải có những bước chuyển mình để thích nghi với điều kiện mới. Trong xu thế đó, người ta đã sớm nhận ra sự thiếu hụt các kỹ năng sống (KNS) là nguyên nhân cơ bản khiến con người gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống hiện đại, KNS được ví như một chiếc cầu để đưa con người đến với chất lượng cuộc sống.
Vấn đề giáo dục KNS bắt đầu được đặt nền móng, được quan tâm tìm hiểu từ thập niên 80 của thế kỷ XX. Bắt đầu từ năm 1979, nhà khoa học hành vi Gilbert Botvin, thành lập nên một chương trình giáo dục KNS cho giới trẻ từ 17-19 tuổi. Chương trình đào tạo này nhằm giúp xây dựng ở người học có khả năng từ chối những lời mời, rủ rê sử dụng chất gây nghiện bằng cách nâng cao sự tự khẳng định bản thân, kỹ năng ra quyết định và tư duy phê phán. Thực ra, việc học tập và thực hành các kỹ năng ấy chỉ là một trong những khía cạnh của chương trình, nhưng có thể coi như là bước đầu để chương trình giáo dục KNS được triển khai rộng rãi trong thời gian kế tiếp. Bắt đầu từ những năm 80 của thế kỷ XX, một chuỗi các nghiên cứu lượng giá đã được thực hiện để xem xét, kiểm tra sự hiệu quả của các cách tiếp cận phòng ngừa lạm dụng dựa trên mô hình Kỹ năng sống. Đến đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, nhiều tổ chức quốc tế như Tổ chức y tế thế giới (WHO), Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO), Quỹ cứu trợ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) đã có sự đầu tư, đưa ra những chương trình giáo dục KNS cụ thể với các đối tượng khác nhau nhằm trang bị cho họ những KNS cơ bản, giúp đối phó với một số vấn đề cụ thể trong cuộc sống như bảo về sức khỏe, bảo vệ môi trường, phòng chống HIV/AIDS, ma túy…
Cho đến nay, chương trình giáo dục KNS đã được triển khai ở nhiều quốc gia và cùng lãnh thổ trên thế giới, và thậm chí được đưa vào chương trình học chính khóa. Theo Th.S Đào Vân Vi - chuyên gia Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, hiện ít nhất 70 quốc gia trên thế giới đã và đang đưa KNS vào giảng dạy trong chương trình chính khóa, dưới hình thức một môn học riêng (Campuchia), tích hợp vào tất cả các môn học chính khóa (Singapore, Anh, Hàn Quốc, Australia), tích hợp vào một số môn (Trung Quốc, Myanmar). [27]
Ở Việt Nam, bắt đầu từ năm 1996, UNICEF đã tổ chức chương trình “Giáo dục kỹ năng sống để bảo vệ sức khỏe và phòng chống HIV / AIDS cho thanh thiếu niên trong và ngoài nhà trường”. Từ chương trình đầu tiên này, chương trình giáo dục KNS dần được mở rộng ra cả về đối tượng lẫn nội dung, chẳng hạn như các KNS nhằm giáo dục về quyền trẻ em, sức khỏe sinh sản, giới tính cho học sinh và trẻ em, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em thiệt thòi và trẻ em gái, hoặc chương trình giáo dục KNS trong vấn đề bảo vệ sức khỏe, chống bạo lực trong gia đình, xóa đói giảm nghèo cho các chị em phụ nữ; chương trình giáo dục KNS về phòng chống lạm dụng tình dục, phòng chống HIV/AIDS với các đối tượng có nguy cơ cao…Qua hơn 10 năm có mặt tại Việt Nam, chương trình giáo dục KNS đã dần dần thu hút sự quan tâm của dư luận, không chỉ là sự quan tâm của các tổ chức phi chính phủ mà còn có sự quan tâm của Bộ Giáo dục – Đào tạo, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Bộ y tế, Ủy ban dân số, gia đình và trẻ em…
Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của giáo dục KNS và tạo cơ hội để trao đổi, tổng kết về các vấn đề có liên quan đến giáo dục KNS, có nhiều hội thảo đã được tổ chức để cùng thảo luận các vấn đề chung có liên quan đến KNS.
Tháng 9/2003, “Hội thảo quốc gia về chất lượng giáo dục kỹ năng sống” được tổ chức tại Hà Nội. Trong hội thảo, các đại biểu tham dự đã cùng nhau bàn luận về các vấn đề tổng quát về KNS, cũng như đánh giá lại chất lượng giáo dục KNS trong những năm vừa qua, giới thiệu một số mô hình giáo dục KNS tiêu biểu…
Ngày 22/11/2008, Viện Nghiên Cứu Giáo Dục - Trường ĐHSP Tp.HCM đã tổ chức hội thảo: "Nhận thức và thái độ của học sinh, sinh viên về định hướng tương lai" tại TPHCM, với sự tham gia củahơn 50 đại biểu gồm các nhà Nghiên cứu giáo dục, cán bộ quản lý, giảng viên các trường ĐH, CĐ, đại diện của Sở GD&ĐT TPHCM và các tỉnh, cán bộ quản lý, giáo viên các trường THPT trên toàn quốc. Nội dung hội thảo xoay quanh những vấn đề:
- Báo cáo của nhóm nghiên cứu đề tài “Tìm hiểu nhận thức và thái độ của học sinh, sinh viên về định hướng tương lai” do TS. Nguyễn Kim Dung làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Giáo dục chủ trì với sự tài trợ của công ty Wrigley.
- Báo cáo chương trình hành động cam kết giữa Viện Nghiên cứu Giáo dục, công ty Wrigley, Sở Giáo dục và Đào tạo Tp.HCM trong thời gian tới và kế hoạch tổ chức Ngày hội việc làm, các cuộc thi rèn luyện kỹ năng, chương trình tư vấn nghề nghiệp... do các chuyên gia của Viện, công ty Wrigley và Thành Đoàn phối hợp thực hiện.
Tại Hội thảo, báo cáo đề tài “Tìm hiểu nhận thức và thái độ của học sinh, sinh viên về định hướng tương lai” đã thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu. Nội dung báo cáo xoay quanh vấn đề nhận thức thái độ của học sinh, sinh viên đối với tương lai, các yếu tố tác động tới tương lai của họ; thực trạng giáo dục hiện nay ở các trường phổ thông, đại học về KNS, về định hướng nghề nghiệp cũng như trang bị những kỹ năng mềm để học sinh, sinh viên có thể ứng dụng trong cuộc sống, công việc. Báo cáo đưa ra những kiến nghị, giải pháp để phần nào giải quyết vấn đề nhận thức, thái độ của học sinh, sinh viên về định hướng tương lai. Đa số các đại biểu đều nhận định rằng việc giáo dục thái độ sống và KNS cho học sinh, sinh viên là điều vô cùng cần thiết nhưng hiện nay vẫn chưa được chú trọng.
Đề tài thực hiện khảo sát trên 2000 học sinh, sinh viên và phỏng vấn cán bộ quản lý của nhiều trường phổ thông, cao đẳng, đại học tại 4 thành phố lớn: Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ. Kết quả nghiên cứu cho thấy học sinh sinh viên muốn có hiểu biết rộng, có việc làm tốt trong tương lai nhưng lại mơ hồ về việc lập kế hoạch tương lai, chuẩn bị những kiến thức, kỹ năng gì cần cho công việc, cuộc sống. Học sinh, sinh viên cũng chưa chú trọng đến kỹ năng mềm, các em lo rèn luyện thêm ngoại ngữ, vi tính mà chưa nhận thức hết tầm quan trọng của những kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, hợp tác, lập kế hoạch,... là những vấn đề có tính quyết định trong công việc và cuộc sống.
Bên cạnh những giải pháp trước mắt như tổ chức các hoạt động xã hội cần thiết, phát huy vai trò của Đoàn, Hội tổ chức các sinh hoạt tập thể hình thành kỹ năng, tổ chức các cuộc thi theo chủ đề để rèn luyện kỹ năng sống,... thì về lâu dài cần phải có sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường, các tổ chức đoàn thể trong việc rèn luyện những kỹ năng mềm; chương trình giáo dục cần cải cách tăng cường chương trình ngoại khóa, giảm khối lượng kiến thức, cần tăng cường việc tư vấn hướng nghiệp trong nhà trường chất lượng, hiệu quả hơn... [29]
Gần đây nhất, Hội thảo “Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh phổ thông” được Bộ Giáo dục – Đào tạo tổ chức tại Hà Nội ngày 20/5/2009 với sự tham dự của đông đảo các nhà quản lý, các chuyên gia giáo dục và các thầy cô giáo. Trong hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về tình hình giáo dục KNS hiện nay ở các nhà trường phổ thông, đa số đại biểu đều khẳng định: chương trình giáo dục KNS đã được ngành giáo dục triển khai từ rất lâu, theo phương pháp lồng ghép trong những môn học như đạo đức, giáo dục công dân, văn học…nhưng hiệu quả còn thấp. Việc giáo dục KNS hiện nay tại trường phổ thông còn rất nhiều khó khăn, bất cập như chất lượng giáo viên dạy KNS không đảm bảo, thiếu sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục KNS, thời lượng chương trình học chính khóa không cho phép, nhận thức của học sinh và xã hội về vấn đề giáo dục KNS vẫn chưa cao nên học sinh chưa có sự chủ động trong học tập và rèn luyện. Bên cạnh đó, các đại biểu còn đề xuất và thảo luận các phương án nhằm nâng cao chất lượng giáo dục KNS trong nhà trường, thảo luận về việc đưa giáo dục KNS vào chương trình chính khóa…
Bên cạnh đó, có một số tác giả đã tổng hợp các lý luận về KNS và tình hình thực tiễn của việc giáo dục KNS, thể hiện qua một số bài viết trên tạp chí, sách như: bài viết “Khái niệm kỹ năng sống nhìn từ góc độ tâm lý học” của PGS. Nguyễn Quang Uẩn đăng trên Tạp chí Tâm lý học số 6 (6-2008), hay cuốn “Vấn đề nhân cách trong tâm lý học ngày nay” do Đào Thị Oanh chủ biên, và bộ sách giáo dục KNS gồm 2 tập do Th.S Nguyễn Thị Oanh viết, có tên “Kỹ năng sống cho tuổi vị thành niên” và “10 cách thức rèn kỹ năng sống cho tuổi vị thành niên”.
Trong bài viết “Khái niệm kỹ năng sống nhìn từ góc độ tâm lý học”, PGS. Nguyễn Quang Uẩn đã chỉ ra sơ lược về các cách định nghĩa KNS hiện nay trên thế giới, kèm theo đó là cách phân loại khác nhau. Trên cơ sở phân tích lý thuyết tâm lý học hoạt động, tác giả đưa ra định nghĩa riêng về KNS và phân loại KNS dưới góc độ tâm lý. Đây chỉ mới là một bài viết căn cứ trên lý thuyết để đưa ra một hướng tiếp cận mới đối với KNS chứ chưa đi sâu vào tìm hiểu thực tế.
Với cuốn sách “Vấn đề nhân cách trong tâm lý học ngày nay”, các tác giả trình bày về sự hình thành và phát triển của KNS như một mặt quan trọng của nhân cách con người hiện đại. Trong đó, nhóm tác giả đã đề cập đến các nội dung chính sau:
+ Tóm tắt các quan điểm hiện nay về khái niệm KNS và các cách phân loại KNS, phân tích nội dung một số KNS cụ thể;
+ Ý nghĩa của việc hình thành và phát triển KNS cho thế hệ trẻ;
+ Giới thiệu các chương trình, dự án giáo dục KNS đã triển khai và đánh giá về tình hình giáo dục KNS tại Việt Nam.
Với những thông tin trên, nhóm tác giả giúp người đọc có cái nhìn tổng quan về KNS và tình hình giáo dục KNS tại Việt Nam. Tuy nhiên, tác giả vẫn chưa đề cập nhiều đến nhu cầu của học sinh về việc học tập KNS.
Cố Th.S Nguyễn Thị Oanh cũng là một người có đóng góp to lớn cho sự phát triển của giáo dục KNS hiện nay tại Việt Nam. Bộ sách về giáo dục KNS cho tuổi vị thành niên gồm 2 tập là sự đúc kết lý luận và kinh nghiệm của tác giả về giáo dục KNS, được xem như kim chỉ nam cho hoạt động giáo dục KNS trong nhà trường. Tập 1 –“Kỹ năng sống cho tuổi vị thành niên” là tập sách tổng hợp lý luận về giáo dục KNS theo quan điểm giáo dục của UNICEF (khái niệm, cách phân loại, phương pháp giáo dục…) và minh họa các KNS cơ bản cho lứa tuổi vị thành niên. Ở tập 2 – “10 cách thức rèn kỹ năng sống cho tuổi vị thành niên” , tác giả cùng với một số cộng tác viên là các nhân viên xã hội - giáo dục đã cụ thể hóa lý luận về giáo dục KNS để biên soạn thành các bài dạy các KNS cụ thể cho đối tượng trẻ vị thành niên. Nhìn chung, đây là bộ sách về giáo dục KNS vừa tổng quát lại vừa có ví dụ minh họa, rất hữu ích cho những người làm công tác giáo dục KNS.
Ngoài ra, mới đây, TS. Huỳnh Văn Sơn, ĐH Sư phạm TPHCM đã tập trung các bài viết, ví dụ thực tế về các KNS cụ thể dựa trên đúc kết kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy để xuất bản cuốn “Bạn trẻ và kỹ năng sống”, cung cấp cho các bạn trẻ những kỹ năng cần thiết trước ngưỡng cửa vào đời: kỹ năng tự đánh giá bản thân, kỹ năng tư duy sáng tạo, phát huy nội lực của bản thân, kỹ năng tác động đến tâm lý người khác, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng hợp tác… ứng dụng trực tiếp trong học tập, công việc và cuộc sống.
[Trích từ luận văn của Sóng]