Quà của bố
Đó là một cuốn sách giản dị. Bởi lẽ nó được viết ra bằng những điều rất thật trong cuộc sống của một ông bố, bằng những suy nghĩ của một con người trải lòng trên blog của mình, chứ không phải được viết để trở thành một cuốn sách. Và cũng vì sự chân thành đó mà cuối cùng, nó đã được xuất bản thành một cuốn sách, để có thể chia sẻ những tâm tư đó đến với nhiều người hơn.Tôi nghĩ, xét về giá trị nghệ thuật, về giá trị kiến thức, sẽ có nhiều cuốn sách vượt trội hơn cuốn sách này. Nhưng không hiểu sao, cuốn sách Quà của bố lại để lại trong tôi nhiều rất nhiều rung động cảm xúc, và tôi nhớ đến nó với rất nhiều tình cảm thân thương.
Cuốn sách nhỏ, hình thức đơn giản, không cầu kỳ, không phải là một cuốn sách để thu hút nhiều sự chú ý. Tờ bìa in hình một trang giấy màu nâu với nhiều nếp gấp, có hình một bàn tay xù xì đưa ra. Tôi cảm tưởng nó giống như bàn tay của một người cha đón nhận đứa con của mình, hoặc cũng có thể là một bàn tay trao đi một món quà với tất cả sự chân thành.

Bìa sách giản dị nhưng ấm áp như chính tên sách: “Quà của bố
Cuốn sách là tập hợp những bài blog của tác giả viết về con, viết cho con, từ lúc con còn bé cho đến khi chúng trở thành những thiếu niên. Có khoảng 65 bài viết được chia làm 3 phần: Yêu thương, Kỳ vọng và Trăn trở. Nó cũng thể hiện được những khía cạnh trong tình cảm của những bậc cha mẹ dành cho đứa con của mình. Đó là tình yêu thương vô điều kiện, nhưng cũng kèm theo đó là những bài học rất nghiêm khắc, những trăn trở, những nỗi lo sợ rất thật lòng.“Bố yêu các con nhiều như hơi thở, như những lần bố chớp mắt trong đời…”
“Bất cứ điều gì con có, một ai đó sẽ vượt qua. Nhưng nếu con trung thực, chẳng bao giờ có ai trung thực hơn, vì bản chất của trung thực là trung thực.”
“Bây giờ, bố chỉ sợ con hết yêu thương bố, sợ con bỏ bố. Bố sợ mất con!”
Tôi đã khóc khi đọc những bài viết giản dị ấy. Có lẽ, tác giả đã cho tôi cơ hội được quay về tuổi thơ, quay về những năm tháng hồn nhiên bên cha mẹ, quay về với những trăn trở mà ngày xưa tôi không hề biết. Những câu chuyện đơn sơ như bố con cùng nhau tắm mưa, đi Sở Thú, đón Noel, ăn gỏi bò, gửi mail, sơn cổng…nhưng bất cứ ở góc nào, tôi cũng thấy lấp lánh những hình ảnh đầy yêu thương.
Tôi nhìn thấy ở đó hình ảnh của một ông bố với tình yêu thương bao la và tinh tế, với sự mạnh mẽ và nghiêm khắc, với cả những nghĩ suy đầy phức tạp... Có thể, điều đó cũng có trong rất nhiều ông bố khác, có cả trong bố của tôi, nhưng chưa ai từng nói ra những điều như thế. Bởi vậy, đọc cuốn sách ấy, không chỉ đơn thuần là đọc tâm tư của một người bố, với tôi, đó còn là tấm gương để tôi soi vào mà hiểu được bố tôi và những ông bố khác.
Tôi đoán sẽ có nhiều người cảm thấy ông bố này thật lạ, với những cách cư xử và suy nghĩ rất khác những ông bố khác ở Việt Nam. Đó là một người bố lại vừa như một người bạn, một người anh, một người bạn, một người thầy…Tôi biết, mỗi người đều có thể có những cách riêng cho mình để trở thành một người cha, người mẹ. Nhưng qua cách của người cha này, tôi nhận rõ rằng không dễ để trở thành một cha mẹ tốt, không dễ để lắng nghe và yêu thương con một cách vô điều kiện. Tình yêu thương thật sự với con cái không chỉ được thể hiện ở chỗ chúng ta lo cho chúng đầy đủ về vật chất, mà nó đòi hỏi bản thân người làm cha làm mẹ phải nhọc công suy nghĩ, đắn đo, lo lắng và phải trưởng thành lên rất nhiều. Yêu thương ấy không phải là nuông chiều, không phải là cứ cho đi một cách vô lối, mà nó gắn liền với trách nhiệm dạy dỗ một con người.
Tôi đã suy ngẫm nhiều từ những câu chuyện ấy. Tôi ngẫm ngợi về một điều mà tôi đã từng được nghe: “Bạn không có quyền chọn cha mẹ cho mình, nhưng hoàn toàn có quyền chọn bố cho con của mình”. Việc lựa chọn một ý trung nhân, xây dựng một gia đình, sinh ra và nuôi dạy một đứa trẻ cần được suy nghĩ một cách chín chắn và đầy trách nhiệm. Cho nên, nó cũng cần ở mỗi người sự chuẩn bị để sẵn sàng khi bước chân vào con đường đầy thử thách ấy.
Tôi thấy thật trân trọng cuộc sống mà mình đang sống-đó là một món quà vô giá mà cha mẹ đã ban cho tôi. Tôi thấy thấm thía biết bao công ơn và sự hy sinh thầm lặng của đấng sinh thành. Sự hiểu ấy khiến tôi nhìn lại cuộc sống của chính mình, mối quan hệ của chính mình với gia đình, biết rằng mình cần phải biết ơn và cảm thông hơn với bố mẹ. Với tư cách là một người làm giáo dục, cuốn sách khiên tôi có thêm niềm tin vào nghề nghiệp của mình, làm tôi thêm tâm huyết với ý tưởng nâng cao kiến thức giáo dục gia đình cho những cha mẹ Việt Nam, để trẻ em có thể được hưởng những điều tốt đẹp nhất ngay từ tổ ấm thân thương của mình.
Gấp cuốn sách lại, đọng lại trong người đọc sẽ là rất nhiều hình ảnh. Tôi cứ nhớ cái hình ảnh hai bố con vui vẻ ngồi ăn chung một dĩa gỏi bò ở góc công viên, tôi nhớ hình ảnh cô bé ôm eo bố trên đường từ trường về nhà, nhớ cảnh hai cha con sơn cửa và nói chuyện như hai người đàn ông thật sự… Có rất nhiều những khoảnh khắc cha-con đã được ghi lại ở nơi này. Ghi lại cả tuổi thơ, ghi lại cả một chặng đường làm cha, ghi lại những dấu ấn của sự trưởng thành…
Cảm ơn món quà của bố.