Hãy thử tưởng tượng: Christopher Columbus đã vui sướng như thế nào khi phát hiện ra Châu Mỹ năm 1492. Ông reo mừng! Trái đất không phải là một cái đĩa, giới hạn đi xa của con người không còn là đường chân trời, giờ đây người ta có thể đi mãi mà không sợ "rớt ra ngoài cái đĩa". Và đấy đã trở thành một phát hiện lớn của nhân loại: thế giới không phẳng.
Nhưng đó là chuyện của thế kỉ XV.
Năm 2005, thế kỉ thứ XXI, lại xuất hiện một Christopher Columbus mới với phát hiện hoàn toàn độc đáo về một thế giới tưởng chừng đã cũ: thế giới phẳng! Nhân loại đang sống, lao động, học tập trong một kỷ nguyên phẳng. Kỷ nguyên của máy tính điện tử, kỷ nguyên của kỹ thuật số.
Vâng! Tôi muốn nói đến một người như là một Columbus thời hiện đại, đó là Thomas L.Friedman với phát hiện: thế giới phẳng!
Thế giới đã trải qua ba kỷ nguyên của toàn cầu hóa. Kỷ nguyên thứ nhất kéo dài từ năm 1492 - khi Columbus giương buồm, mở ra sự giao thương giữa Thế giới cũ và Thế giới mới-cho đến khoảng năm 1800. Ông gọi thời kỳ này là thời kỳ Toàn cầu hóa 1.0.
Toàn cầu hóa 1.0 làm cho thế giới co lại từ kích thước lớn thành kích thước trung bình. Trong kỷ nguyên này, các quốc gia và chính phủ (thường xuất phát từ tôn giáo, chủ nghĩa đế quốc hay sự kết hợp của cả hai) đã đi đầu trong việc phá bỏ các bức tường và kết nối thế giới lại với nhau, thúc đẩy sự hội nhập toàn cầu.
Trong Toàn cầu hóa 1.0, các vấn đề cơ bản được đặt ra là: Vị trí của một nước trong quá trình cạnh tranh và tận dụng cơ hội toàn cầu như thế nào? Làm thế nào để cá nhân có thể vươn ra toàn cầu và cộng tác với cá nhân khác trong khuôn khổ quốc gia?
Kỷ nguyên thứ hai, Toàn cầu hóa 2.0, kéo dài từ năm 1800 đến năm 2000, bị gián đoạn bởi cuộc Đại Khủng hoảng và hai cuộc Chiến tranh thế giới. Thời kỳ này làm thế giới co lại từ cỡ trung bình xuống cỡ nhỏ. Trong Toàn cầu hóa 2.0, tác nhân then chốt của sự thay đổi; động lực thúc đẩy hội nhập toàn cầu là các công ty đa quốc gia. Các công ty này vươn ra toàn cầu để mở rộng thị trường và thu hút sức lao động. Điều này khiến cho sự hội nhập toàn cầu được thúc đẩy bởi sự sụt giảm phí giao thông do sự ra đời của động cơ hơi nước và đường sắt, sau đó là sự phổ biến của điện tín, điện thoại, PC, vệ tinh cáp quang và phiên bản đầu tiên của Word Wide Web (WWW).
Vấn đề cơ bản của Toàn cầu hóa 2.0 là: Vị trí của Công ty của tôi như thế nào trong nền kinh tế toàn cầu? Công ty cần tận dụng các cơ hội như thế nào? Làm thế nào để tôi có thể vươn ra toàn cầu và cộng tác với những các nhân khác thông qua công ty của tôi?
Và những năm 2000 này, chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên hoàn toàn mới: Toàn cầu hóa 3.0. Toàn cầu hóa 3.0 làm thế giới co từ cỡ nhỏ xuống cỡ siêu nhỏ và đồng thời san bằng sân chơi toàn cầu. Động lực của Toàn cầu hóa 3.0 có tính độc nhất: đó là động lực mới cho phép các cá nhân cộng tác và cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Hệ thống thế giới phẳng là sản phẩn của sự hội tụ giữa máy tính cá nhân (cho phép cá nhân trở thành tác giả của sản phẩm số) với cáp quang (cho phép các cá nhân tiếp cận với sản phẩm số trên thế giới gần như miễn phí) và phần mềm xử lý công việc (cho phép các cá nhân trên khắp thế giới cộng tác trên cùng cơ sở dữ liệu số, bất kể từ nơi đâu với khoảng cách như thế nào).
Do đó, giờ đây mọi người phải và cần phải hỏi: Vị trí của tôi, với tư cách là một cá nhân, trong sự cạnh tranh và trong cơ hội toàn cầu hiện nay là gì, và chính tôi phải cộng tác với những người khác trên thị trường toàn cầu như thế nào?
Thế giới phẳng cho phép các cá nhân trên thế giới ngồi lại làm việc với nhau! Nó mở ra cơ hội lớn và thách thức lớn cho con người ở thế kỷ XXI!
Vậy chúng ta phải làm gì để vượt qua thách thức và đón nhận cơ hội mà thế giới phẳng đem lại?
Thomas L.Fiedman đặt ra công thức: CQ+PQ > IQ. Trong đó, CQ (Curiosity quotient) là chỉ số hiếu học, PQ (Passion quotient) là chỉ số đam mê, IQ (Intelligence quotient) là chỉ số thông minh. Công thức này có nghĩa là Sự hiếu học, ham hiểu biết và đam mê công việc quan trọng hơn sự thông minh. Cần phải bồi đắp "lửa" hiếu học và đam mê.
Trong chương "Bán cầu não phải" Thomas L.Friedman đặc biệt lưu ý đến việc phát triển sức mạnh tâm hồn và tình cảm con người. Đấy là điều tốí cần thiết trong một thế giới phẳng.
Chúng ta đều biết rằng não người gồm có bán cầu não trái và bán cầu não phải. Bán cầu não trái điều khiển tư duy về trật tự, học hành và phân tích, còn bán cầu não phải điều khiển cách biểu lộ cảm xúc và tư duy tổng hợp của con người. Bán cầu não phải còn được hiểu là khả năng cảm thụ nghệ thuật, biết cảm thông, có tầm nhìn rộng và khát vọng lớn.
Chúa tạo ra thế giới trong 6 ngày và ngày thứ 7, Ngài đã nghỉ ngơi. Thế giới được làm phẳng cần nhiều thời gian hơn và có lẽ chẳng ai trong chúng ta được nghỉ ngơi. Guồng máy của một thế giới sôi động và đầy thách thức đang khởi động, và bất cứ cái gì "bất động" đều sẽ bị đào thải.
Mỗi buổi sáng ở châu Phi, một con linh dương thức dậy
Nó biết rằng nó phải chạy nhanh hơn cả con sư tử
nếu không nó sẽ bị giết.
Mỗi sáng một con sư tử thức dậy
Nó biết rằng nó phải chạy nhanh hơn con linh dương chậm nhất
hoặc nó sẽ bị chết đói.
Điều quan trọng không phải là việc bạn là sư tử hay linh dương
Khi mặt trời mọc, bạn nên bắt đầu chạy...
Bạn đã sẵn sàng để "chạy" trong một "thế giới phẳng" ?!?
-----------------------
Sài Gòn 18/04/2007
Phan Mạnh Tân
Lưu ý khi đọc
Bạn cần chút ít kiến thức về Internet, kinh tế, lịch sử...
Những trích dẫn đặc sắc / Những lời nhận xét đặc biệt về sách
Mỗi buổi sáng ở châu Phi, một con linh dương thức dậy
Nó biết rằng nó phải chạy nhanh hơn cả con sư tử
nếu không nó sẽ bị giết.
Mỗi sáng một con sư tử thức dậy
Nó biết rằng nó phải chạy nhanh hơn con linh dương chậm nhất
hoặc nó sẽ bị chết đói.
Điều quan trọng không phải là việc bạn là sư tử hay linh dương
Khi mặt trời mọc, bạn nên bắt đầu chạy...
Những nội dung khác
- Là một cuốn sách hay bạn nên cần đọc. Dĩ nhiên, đây chưa phải là chân lý cuối cùng, nhưng ít ra nó cho ta biết điều gì đang diễn ra trên thế giới.
Phan Mạnh Tân